15:55, 30/05/2023

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa:
Tuyến đường kết nối Khánh Hòa - Ninh Thuận - Lâm Đồng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Dự án đường giao thông từ QL 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hoà kết nối với tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng là một trong những dự án giao thông huyết mạch, quan trọng được xác định là dự án cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến 2025 theo Nghị quyết số 42-21/3/2022 của Chính phủ và được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên tại Quyết định số 318-29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là một trong những nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết 09 ngày 28/02/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Điểm đầu dự án từ thác Yang Bay kết nối vào QL.27C huyện Khánh Vĩnh và điểm cuối kết nối với tuyến đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận với chiều dài gần 60 Km. Với tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.929 tỷ đồng (Trung ương: 1.000 tỷ, tỉnh Khánh Hòa: 930 tỷ). Thời gian thực hiện dự án: 2023-2026.

Dự án này nếu được đầu tư sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Khánh Hòa kết nối với trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận (đường tỉnh ĐT.707) và đồng bộ với mạng lưới các trục đường giao thông theo hướng Đông - Tây hiện có của tỉnh Khánh Hòa (QL.27C, DT.656) và tỉnh Ninh Thuận (QL.27, QL.27B, ĐT.707); hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ phía Tây tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Với tính kết nối giao thông như trên, tuyến đường sẽ góp phần mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội không chỉ đối với huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với cả các địa phương khác thuộc tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Khi trục đường mới được hình thành, hàng hóa, hành khách từ huyện Khánh Sơn và các khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận giáp ranh với huyện Khánh Sơn có thể đi thẳng qua huyện Khánh Vĩnh, qua tỉnh Lâm Đồng (thay vì phải đi vòng về QL.1A với quãng đường hàng trăm km); việc vận chuyển hàng hóa, hành khách đến TP. Nha Trang được rút ngắn khoảng 15km. Mặt khác, tuyến đường sẽ thuận lợi, rút ngắn thời gian từ Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Sơn đến các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh Khánh Hòa  (như Cụm công nghiệp Sông Cầu, Diên Thọ, Suối Dầu, Trảng É, Đắc Lộc...), các cảng biển ở Cam Ranh, Khu kinh tế Vân Phong, kết nối QL.1A, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao trong tương lai của ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tuyến đường này không những sẽ tăng khả năng kết nối giao thông mà còn góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển kinh tế dịch vụ du lịch và các ngành kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, du lịch, tạo cơ hội liên kết với các tỉnh trong vùng để phát triển các vùng du lịch, kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hoá đặc trưng riêng của mỗi địa phương. Điều đó, sẽ giúp hai huyện miền núi (Khánh Sơn và Khánh Vĩnh) có điều kiện phát triển trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng, kinh tế phát triển, người dân có thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo...góp phần hoàn thành mục tiêu "đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo". Mặt khác, tuyến đường không chỉ có ý nghĩa về chính trị, về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng an ninh.

Việc đầu tư tuyến đường mới không những phá bỏ tính độc đạo của tuyến đường Tỉnh Lộ 09 (kết nối từ Khánh Sơn xuống QL.1A và ngược lại) hiện nay đang quá tải, ùn tắc nghiêm trọng, mà còn kết nối với huyện Khánh Vĩnh (hai huyện giáp ranh nhưng không có đường đi qua), tạo thành mạng lưới đường giao thông cơ động và nhanh chóng ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác bảo vệ rừng, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ quốc phòng an ninh của khu vực; hình thành thế trận phòng thủ vững chắc và có tính cơ động cao sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu xử lý các tình huống phát sinh về bảo đảm an ninh quốc phòng không những trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa mà trong khu vực phòng thủ tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Lâm Đồng và lớn hơn là khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ.

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, thuộc danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh giai đoạn 2021-2025 với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Raglai ), tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 45% dân số, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh. Đây là một trong những chỉ tiêu thách thức và khó khăn nhất để Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, huyện miền núi Khánh Sơn luôn là căn cứ cách mạng vững chắc, là cái nôi cách mạng của tỉnh Khánh Hòa. Không những thế, Khánh Sơn còn có bản sắc văn hoá đặc sắc và đa dạng (Đàn đá là loại nhạc cụ cổ có giá trị lịch sử với niên đại hàng ngàn năm, rất có giá trị về mặt âm nhạc học và là văn hoá đặc sắc của đồng bào Raglai gắn liền với đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa). Việc đầu tư tuyến đường sẽ góp phần mở rộng không gian giao lưu văn hoá giữa đồng bào các dân tộc ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có nét tương đồng về văn hóa.

Việc Chính phủ, Quốc hội quan tâm, quyết định đầu tư tuyến đường này là  niềm mong ước không những của đồng bào dân tộc hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, mà còn là quyết tâm chính trị từ nhiều nhiệm kỳ của lãnh đạo ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng trong kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế xã hội của ba tỉnh.

Với ý nghĩa đó, rất mong các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ, ủng hộ về quyết định đầu tư tuyến đường này.

Lê Hữu Trí

Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa