11:05, 23/05/2022

Thi hành án hình sự tại cộng đồng và thực hiện tái hòa nhập: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc thi hành án phạt cấm cư trú, án phạt quản chế và án treo (thi hành án hình sự tại cộng đồng) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc.

 

Khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc thi hành án phạt cấm cư trú, án phạt quản chế và án treo (thi hành án hình sự tại cộng đồng) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, vướng mắc.


Còn tồn tại


Ông Trần Ngọc Sanh - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, qua khảo sát, một số nơi như huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang đã thực hiện tốt việc tập huấn, hướng dẫn, ban hành kế hoạch thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; phân công quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng. Công an cấp huyện đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với công an cấp xã; phối hợp xóa án tích cho người chấp hành xong bản án. Việc thi hành án phạt quản chế, án treo cơ bản đúng trình tự, thủ tục, thời hạn. Các cấp chính quyền cũng quan tâm nhân rộng các mô hình, cá nhân tiêu biểu, giúp đỡ người thi hành án treo tái hòa nhập cộng đồng.

 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại Công an huyện Vạn Ninh. Ảnh: Thanh Hải

Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát tại Công an huyện Vạn Ninh. Ảnh: Thanh Hải


Tuy nhiên, có nơi việc phân công theo dõi, giám sát, giáo dục người chấp hành án chưa đúng quy định hoặc chưa phân công. Việc nhận xét, đánh giá quá trình chấp hành án chưa đầy đủ hoặc chưa đúng biểu mẫu. Có nơi chưa báo cáo, thống kê; chưa kiểm danh, kiểm diện đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng.


Một số trường hợp như ở huyện Khánh Sơn, người chấp hành án có nhiều tiến bộ, đủ điều kiện được rút ngắn thời gian thử thách, nhưng UBND cấp xã chậm lập hồ sơ để cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện xem xét, đề nghị tòa án rút ngắn thời gian thử thách. Có trường hợp đã chấp hành xong thời gian thử thách nhưng UBND cấp xã chưa, hoặc chậm bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện để cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền xóa án tích. Cá biệt, có nơi gần như khoán trắng việc quản lý đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng cho công an xã.


Một số kiến nghị


Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, những tồn tại trên một phần do bất cập trong quy định giải quyết thay đổi nơi cư trú của người hưởng án treo; thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của người hưởng án treo. Cán bộ cũng chưa được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ; công tác phối hợp còn hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của người thi hành án chưa nghiêm. Việc tuân thủ pháp luật của cơ quan có trách nhiệm thi hành án, người được phân công trực tiếp giám sát, theo dõi, giáo dục người chấp hành án chưa cao. Công tác chỉ đạo, kiểm tra của UBND cấp xã, cơ quan thi hành án hình sự có lúc chưa kịp thời.


Từ kết quả khảo sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu, xem xét ban hành quy định, quy chế phối hợp thực hiện; bố trí ngân sách theo quy định để thực hiện các giải pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, xem xét hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù; đồng thời có chính sách phù hợp khuyến khích đơn vị, cá nhân tạo điều kiện cho người chấp hành xong hình phạt tù học nghề, tìm việc làm, hòa nhập cộng đồng.


Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp cập nhật thông tin án tích của người chấp hành xong hình phạt tù và cấp phiếu lý lịch tư pháp khi có yêu cầu; chỉ đạo UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương. Công an tỉnh tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và hướng dẫn, kiểm tra công an cấp huyện, cấp xã, UBND cấp xã. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị cấp huyện. Đồng thời, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp tổ chức xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách án treo đối với người chấp hành án có nhiều tiến bộ, đủ điều kiện theo quy định.

 

Trong tháng 4, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã khảo sát trực tiếp công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng đối với công an 2 huyện Khánh Sơn, Vạn Ninh và xem xét qua báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, UBND cấp huyện, công an các địa phương: Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm.

Giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 5 đối tượng thi hành án phạt quản chế, 400 đối tượng thi hành án treo. Người thi hành án treo từ 20 đến 40 tuổi chiếm 50%, chủ yếu phạm tội trộm cắp tài sản; cố ý gây thương tích; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; bắt người trái pháp luật; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; hủy hoại rừng…


NGUYỄN VŨ