10:12, 28/12/2020

Năm 2021: Nỗ lực phục hồi nền kinh tế

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Dự hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.


Một năm đầy khó khăn


Tại hội nghị, báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Kinh tế vĩ mô của nước ta ổn định, lạm phát được kiểm soát, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 6,8%/năm. Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91% - là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới; thu ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 96% dự toán; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, xuất siêu 5 năm liên tiếp (năm 2020 ước đạt 19,1 tỷ USD).

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.


Tại Khánh Hòa, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngành công nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào của các DN phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến tình hình sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm như: Dệt may, giày da, sợi… Bên cạnh đó, ngành Du lịch Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề với tổng doanh thu năm 2020 chỉ đạt hơn 5.000 tỷ đồng, giảm 81,2% so với năm 2019; khách lưu trú giảm đến 82,1%, trong đó khách quốc tế giảm 87,8%; số ngày lưu trú cũng giảm gần 86%.


Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2020, Khánh Hòa có 9/16 chỉ tiêu KT-XH không đạt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh khó khăn, điểm sáng là thu hút đầu tư ngoài ngân sách vẫn đạt kết quả tích cực với 25 dự án mới (tổng vốn đầu tư hơn 7.700 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2019). Tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát tốt dịch Covid-19; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ  vững.


Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng


Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2021, Chính phủ đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%… Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”. Đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành như: Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Công Định
Hoạt động sản xuất tại Công ty Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Công Định


Đối với Khánh Hòa, để bảo đảm tiếp tục phát triển KT-XH, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa từng bước đưa các hoạt động trở lại bình thường; duy trì và phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics; thu hút phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi; hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ, đầu tư trung tâm nghề cá lớn…


Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, năm 2021, tỉnh sẽ tập trung mạnh vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho DN phát triển. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ DN quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng các thị trường nước ngoài. Mục tiêu của tỉnh là kiểm soát tốt dịch Covid-19, không có ca lây lan trong cộng đồng; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.


VĂN KỲ

 


 

Năm 2021, tỉnh đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 7,4%, trong đó tăng theo ngành kinh tế ước đạt 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD; thu nội địa (không bao gồm thu tiền sử dụng đất) tăng 1,6% so với năm 2020; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 56.918 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020. Một số chỉ tiêu về xã hội: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,33%; số lao động có việc làm tăng thêm khoảng 11.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 81%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 61%; có 66,3% số xã (61/92 xã) đạt chuẩn nông thôn mới…