09:06, 20/06/2011

Lấy sạch tối đa bệnh tích, giảm biến chứng

Vừa qua, tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật toàn quốc Hội Tai Mũi Họng Việt Nam (tổ chức tại Nha Trang), các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã gây được sự chú ý khi báo cáo đề tài: “Phẫu thuật nội soi chức năng xoang dưới sự trợ giúp của hệ thống định vị”.

Vừa qua, tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật toàn quốc Hội Tai Mũi Họng Việt Nam (tổ chức tại Nha Trang), các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã gây được sự chú ý khi báo cáo đề tài: “Phẫu thuật nội soi chức năng xoang (PTNSCNX) dưới sự trợ giúp của hệ thống định vị”. Đây là một kỹ thuật khó, ở Việt Nam chưa có nhiều BV triển khai. Vì thế, việc BVĐK tỉnh Khánh Hòa triển khai thành công kỹ thuật này là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Bác sĩ Đỗ Đức Thọ (Khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh) cho biết, PTNSCNX là một trong những phương pháp phổ biến được lựa chọn trong điều trị bệnh lý viêm mũi xoang mãn tính, đặc biệt là viêm mũi xoang mãn tính có polip mũi. Tuy nhiên, phẫu thuật này tiềm ẩn nhiều biến chứng, nhất là trong những trường hợp bệnh lý mũi xoang phức tạp (polip lan rộng, u nhú đảo ngược, nấm xâm lấn… hoặc những bệnh đã mổ trước đó nên không còn các mốc giải phẫu nội soi thông thường). Theo bác sĩ Thọ, thông thường PTNSCNX chỉ dựa trên hình ảnh CT Scan theo 2 tư thế coronal (đứng) và axial (ngang) nên mất đi chiều sâu của phẫu trường trong lúc mổ. Vì vậy, phẫu thuật viên sẽ gặp một số khó khăn, đặc biệt trong những trường hợp giải phẫu biến đổi, bệnh tích lớn, chảy máu nhiều hoặc sẹo cũ. Tuy nhiên, nếu có sự trợ giúp của hệ thống định vị 3 chiều trên bình diện 3 mặt cắt CT Scan mũi xoang là axial, coronal và sagittal (đứng dọc), các phẫu thuật viên sẽ xác định một cách tương đối chính xác đầu dụng cụ phẫu thuật, ranh giới mô tổn thương và mô bình thường để lấy sạch tối đa bệnh tích, đồng thời làm giảm tối thiểu các biến chứng.

Tháng 7-2010, các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh đã tiến hành PTNSCNX dưới sự trợ giúp của hệ thống định vị cho 9 bệnh nhân - BN - (4 nữ, 5 nam) tuổi từ 25 đến 50 bị viêm mũi xoang mãn tính có polip mũi. Kết quả, không BN nào bị biến chứng sau mổ; theo dõi sau mổ 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng, tất cả đều cho kết quả tốt. BN N.B.H, 28 tuổi ở phường Phước Hòa (Nha Trang) cho biết, anh bị viêm xoang hơn 10 năm nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do thường xuyên bị đau vặt và nhức đầu. Anh đã đến nhiều phòng khám để khám và điều trị nhưng không khỏi bệnh. Đến khi được các bác sĩ BVĐK tỉnh phẫu thuật nội soi xoang dưới sự trợ giúp của hệ thống định vị, sức khỏe của anh đỡ hẳn, bệnh viêm xoang hầu như không còn. Tương tự anh N., bà N.T.K.T, 50 tuổi ở đường Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) cũng khốn khổ nhiều năm vì bị bệnh viêm xoang hành hạ. Sau khi được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi dưới sự trợ giúp của hệ thống định vị, bệnh viêm xoang mãn tính của bà T. hầu như không còn. “Tôi không ngờ việc phẫu thuật lại có kết quả khả quan như vậy. Tôi rất mừng và cảm ơn các bác sĩ”, bà T. nói.

Nội soi mũi xoang cho bệnh nhân tại Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Được biết, trong bệnh lý viêm mũi xoang mãn tính, CT Scan vừa giúp chẩn đoán bệnh vừa làm bản đồ để phẫu thuật viên PTNSCNX. Phẫu thuật viên dựa vào phim CT Scan để liên hệ với phẫu trường trong lúc mổ nhằm lấy bỏ bệnh tích trong xoang trên màn hình nội soi. Trong kỹ thuật này, người mổ không xác định được chiều sâu của phẫu trường cũng như những góc nhìn cong giải phẫu xoang mà ống nội soi các loại không tiếp cận được. Vì thế việc phẫu thuật rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng hệ thống định vị thì bằng hình ảnh 3 chiều, phẫu thuật viên sẽ khắc phục được những khó khăn trên. Giá trị của hệ thống định vị trong phẫu thuật nội soi mũi xoang là ở chỗ cho phép phẫu thuật viên xác định một cách chính xác ranh giới giữa mô bình thường và bệnh lý cũng như định vị được đầu dụng cụ phẫu thuật. Điều này giúp quá trình mổ an toàn hơn và tổn thương được loại bỏ triệt để hơn. Trong những trường hợp bệnh lý phức tạp, tổn thương rộng nằm sát nền sọ, ổ mắt, thần kinh thị, động mạch cảnh… hệ thống định vị giúp ích rất lớn cho phẫu thuật viên nhằm mang lại kết quả mổ tốt hơn và an toàn hơn.

Tuy nhiên, các hình ảnh trên hệ thống định vị chỉ đơn thuần là hình ảnh CT Scan nên không cho biết được các mạch máu mũi xoang, hệ thống cũng không phải tuyệt đối chính xác. Sự chính xác trong khoảng 1mm tùy thuộc vào khoảng cách của các lát cắt CT Scan và test hệ thống trên BN. Vì vậy, trong phẫu thuật này, kiến thức giải phẫu nội soi mũi xoang của phẫu thuật viên có vai trò rất quan trọng. “Trong quá trình phẫu thuật, nếu có mâu thuẫn giữa hình ảnh trên 3 lát cắt và kiến thức giải phẫu của phẫu thuật viên thì cần xem lại tính chính xác của hệ thống”, bác sĩ Thọ khuyến cáo.

Có thể nói, PTNSCNX là một kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt nếu có sự trợ giúp của hệ thống định vị. Với phẫu thuật này, BN ít đau đớn, ít chảy máu, hiệu quả lành bệnh cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều BN bị viêm mũi xoang mãn tính có chỉ định mổ nhưng một số không biết phải điều trị như thế nào, số còn lại có tâm lý e ngại không muốn phẫu thuật. Theo các bác sĩ, mũi xoang là cửa ngõ của cơ thể thông với môi trường bên ngoài, vì vậy có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm mũi xoang như: khí hậu thay đổi thất thường (không khí lạnh hoặc khô), môi trường ô nhiễm (thuốc lá, hơi hóa chất, bụi…), cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch… Để phòng tránh bệnh viêm mũi xoang, mọi người cần có thái độ phòng bệnh tích cực như tránh bụi, tránh lạnh, vệ sinh mũi xoang hàng ngày như nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, đặc biệt rửa mũi ngay khi lao động hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, đồng thời luôn có một chế độ dinh dưỡng tốt để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, có thể đẩy lùi bệnh tật.

NGỌC KHÁNH