08:12, 13/12/2021

Phòng thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã gây ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, thần kinh, làm giảm hoạt động thể chất, suy giảm nhận thức.

Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã gây ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, thần kinh, làm giảm hoạt động thể chất, suy giảm nhận thức.


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sắt là nguyên tố vi lượng rất ít trong cơ thể, chiếm khoảng 0,004% và được phân bố ở nhiều loại tế bào của cơ thể. Sắt tham gia cấu tạo thành phần hemoglobin của hồng cầu, myoglobin của cơ vân, các sắc tố hô hấp ở mô bào và trong các men. Sắt giúp tăng cường hệ thống miễn dịch góp phần tiêu diệt vi khuẩn, vi rút xâm nhập vào cơ thể; giúp cho trẻ em tăng trưởng, phát triển bình thường, tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi. Sắt là thành phần quan trọng của máu giúp giữ và vận chuyển oxy đến tế bào và lấy đi CO2.

 

Thiếu máu do thiếu sắt. (Ảnh minh họa)

Thiếu máu do thiếu sắt. (Ảnh minh họa)


Trẻ em ở tuổi dậy thì, phụ nữ thời kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú nhu cầu về sắt sẽ tăng lên. Có những trường hợp do ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già, người mắc bệnh viêm dạ dày, viêm ruột… có thể sẽ giảm hấp thu sắt, thiếu sắt. Thiếu máu do thiếu sắt không phải là bệnh cấp tính nhưng nó ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, năng suất lao động của người bệnh. Khi thiếu máu do thiếu sắt sẽ mệt mỏi, khó tập trung, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt. Người bệnh khi gắng sức sẽ khó thở, đau ngực do hàm lượng hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường, oxy vận chuyển đến tế bào bị hạn chế. Thiếu máu do thiếu sắt sẽ làm oxy lên não không đủ, người bệnh chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu. Ngoài ra, còn có những triệu chứng như: tim đập nhanh, sưng đau lưỡi, miệng, móng tay, móng chân dễ gãy, da tóc hư tổn… Bác sĩ Toàn cho biết: “Khi phụ nữ mang thai nhu cầu sắt tăng cao, nếu không đáp ứng đủ rất dễ bị thiếu máu, thiếu sắt. Tổng lượng sắt cần thiết cho phụ nữ mang thai khoảng 1.000mg; khi cho con bú, sắt sẽ tiết theo sữa để nuôi con. Đối với trẻ em từ 6 đến 24 tháng tuổi, nhu cầu sắt rất cao. Trẻ sinh đủ tháng có dự trữ sắt tốt, nhu cầu sắt đáp ứng được cho đến 6 tháng tuổi, sau đó trẻ bắt đầu có sự thiếu hụt sắt, cần được bổ sung qua thức ăn”.


Theo hướng dẫn của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế, phụ nữ có thai liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 microgam axit folic trong suốt thời gian có thai. Sau khi sinh, phụ nữ nên bổ sung tiếp thêm 3 tháng với liều tương tự. Đối với phụ nữ không mang thai ở vùng có tỷ lệ thiếu máu cao cần bổ sung sắt, axit folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, sau đó nghỉ 3 tháng rồi bổ sung 3 tháng và cứ lặp lại như thế. Để phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt, các gia đình, cá nhân cần đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường vi chất vào thực phẩm. Các thực phẩm như: giá đỗ, thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Hiện nay, sắt được tăng cường vào nước mắm, bánh quy, bánh dinh dưỡng dành cho phụ nữ trước mang thai, phụ nữ có thai và cho con bú để giúp cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ. Để tối đa hóa sự hấp thu thực phẩm giàu sắt, không nên sử dụng chung với cà phê và trà. Những người đã từng bị thiếu máu do thiếu sắt, tùy theo nguyên nhân thiếu máu ban đầu có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh này trở lại. Ở những trường hợp này, có thể bổ sung sắt để duy trì lượng sắt dự trữ cho cơ thể. Việc bổ sung sắt qua uống thuốc cần được nhân viên y tế tư vấn để xác định rõ những tình trạng bệnh lý.


Bác sĩ Toàn khuyến cáo, mỗi ngày, người phụ nữ mang thai nên sử dụng ít nhất 3 khẩu phần thức ăn giàu sắt, chẳng hạn như: Thịt nạc đỏ, thịt gia cầm và cá; các loại rau có lá màu xanh đậm (rau chân vịt, bông cải xanh và cải xoăn kale); ngũ cốc và lúa mì; các loại đậu hạt, đậu lăng và đậu phụ, loại hạt và mầm, trứng. Để làm tăng khả năng hấp thu sắt từ các nguồn thực vật (cả các sản phẩm bổ sung sắt), hãy sử dụng cùng với thực phẩm chứa nhiều vitamin C (cam, chanh và nước ép từ chúng, dâu tây, kiwi, cà chua, ớt chuông…). Tuy nhiên, nếu sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt thì hãy tránh sử dụng cùng các sản phẩm tăng cường calci, bởi mặc dù calci cũng là thành phần thiết yếu đối với phụ nữ mang thai nhưng có thể làm giảm hấp thu sắt.


Nguyễn Thị Quế Lâm