10:11, 08/11/2021

Bệnh nhân lớn tuổi nhập viện tăng

Từ cuối tháng 10 đến nay, số người lớn tuổi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị tăng cao. Hầu hết các ca nhập viện điều trị đều bị bệnh nặng.

 

Từ cuối tháng 10 đến nay, số người lớn tuổi vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa điều trị tăng cao. Hầu hết các ca nhập viện điều trị đều bị bệnh nặng.


Số người nhập viện tăng


Bác sĩ Trần Võ Vinh Sơn - Trưởng Khoa Tim mạch lão học, BVĐK tỉnh cho biết, trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, bình quân mỗi ngày, tại khoa có khoảng 300 bệnh nhân điều trị, trong đó có 50 bệnh nhân nhập viện mới. Thời điểm dịch bùng phát, số bệnh nhân giảm còn khoảng 70 người/ngày, số bệnh nhân mới khoảng 5 người/ngày. Thế nhưng, từ cuối tháng 10 đến nay, số bệnh nhân điều trị tại khoa tăng lên 170-200 người, trong đó có 20-25 bệnh nhân mới. Hầu hết bệnh nhân lớn tuổi nhập vào khoa bệnh đã trở nặng hoặc rất nặng. Mỗi ngày, Phòng Hồi sức của khoa tiếp nhận 2-3 ca trở nặng.  

 

Thăm khám cho bệnh nhân ở Khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thăm khám cho bệnh nhân ở Khoa Tim mạch lão học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (70 tuổi, TP. Nha Trang) nhập viện điều trị do bị đột quỵ hơn 1 tuần nay, nhờ đưa vào viện kịp thời nên các triệu chứng liệt đang dần phục hồi. Theo người nhà, bệnh nhân H. có bệnh lý huyết áp cao, bệnh tim. Do dịch bệnh nên hơn 3 tháng nay bệnh nhân không đi khám bệnh, chỉ ở nhà mua thuốc uống. Tuần trước, gia đình phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ trong nhà tắm nên đưa đi bệnh viện.


Còn bệnh nhân Trần Xuân S. (69 tuổi, thị xã Ninh Hòa) nhập viện do viêm phế quản nặng. Bệnh nhân S. kể, nửa tháng trước, thấy trong người mệt, khó thở, ho nhiều nhưng do ngại dịch bệnh nên không đi bệnh viện. Bệnh nhân tự mua thuốc uống cả tuần, khi bệnh không giảm mới nhập viện.


Bác sĩ Sơn cho biết: “Do tâm lý sợ vào bệnh viện dễ bị lây bệnh Covid-19 nên nhiều bệnh nhân lớn tuổi không đi khám bệnh định kỳ. Những bệnh nhân bị mắc bệnh mãn tính lấy toa thuốc cũ mua uống trong suốt mùa dịch, trong khi đó, với các bệnh mãn tính phải được bác sĩ theo dõi, thay đổi thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Chưa kể, trong thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, có những bệnh nhân ở khu phong tỏa phải nhờ người mua thuốc hộ, nhà thuốc không có loại thuốc trong toa nên đổi thuốc khác có thành phần tương tự… dẫn tới bệnh đã ủ trong thời gian dài, việc uống thuốc không đúng làm cho bệnh nặng hơn”.


Cần chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

 

Bác sĩ Trần Võ Vinh Sơn - Trưởng Khoa Tim mạch lão học, BVĐK tỉnh: Trong tủ thuốc gia đình, ngoài thuốc của các bệnh lý có sẵn, cần trang bị thêm các thuốc về tiêu hóa, cảm sốt, nhức đầu và các thiết bị y tế thông dụng như: máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, nhiệt kế, cân sức khỏe. Các gia đình cần đưa người lớn tuổi đi khám bệnh định kỳ, ít nhất mỗi tháng/lần.

Với người cao tuổi, do sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị bệnh, nhất là bệnh hô hấp mãn tính. Một số bệnh mùa đông người già thường hay mắc phải như: Viêm mũi họng, viêm họng hạt, viêm phế quản, viêm phổi… Ngoài ra, do người già đã có sẵn một số bệnh lý viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, huyết áp cao, bệnh tim, thiếu máu não cục bộ… nên mùa này rất dễ tái phát, có thể dẫn tới bị đột quỵ. “Nếu được đưa vào BV trong thời gian vàng (6 tiếng đồng hồ từ khi bệnh khởi phát), kịp thời chích thuốc tiêu sợi huyết sẽ được cứu sống, phục hồi nhanh các chức năng; ngược lại vào BV trễ sẽ điều trị khó, dài ngày, dễ bị di chứng liệt suốt đời” - bác sĩ Sơn cảnh báo.  


Theo các bác sĩ, đối với người già, việc giữ ấm trong những thời điểm giao mùa như hiện nay rất cần thiết. Giữ ấm còn giúp tránh các bệnh về hô hấp. Do đó, cần lưu ý tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, vì cơ thể người già không đáp ứng kịp dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Ngoài ra, việc ăn uống của người già phải đảm bảo đủ các nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Do người già ít vận động nên tăng cường ăn thực vật, giảm thức ăn động vật và tinh bột; nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu; uống nhiều nước vào ban ngày, hạn chế uống nước vào ban đêm; việc tập luyện đều đặn và vừa sức cũng giúp cho người cao tuổi chống đỡ được bệnh tật, tăng sức đề kháng.


C.ĐAN