08:08, 25/08/2020

Các dịch bệnh đều giảm

Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống, hiện nay, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống, hiện nay, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.


Nhiều giải pháp chống dịch


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận các dịch bệnh mới nổi, tái nổi như cúm A/H5N1, A/H7N9, MerS Cov; không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm nhóm A như tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch. Các bệnh truyền nhiễm khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tiêu chảy, lỵ amip giảm hơn 25,5%; lỵ trực trùng giảm 20,5%; quai bị giảm 78,5%; viêm gan vi rút giảm 26,3%... Đặc biệt, một số dịch bệnh trọng điểm, có số ca mắc cao liên tục những năm qua giảm mạnh, trong đó sốt xuất huyết (SXH) giảm gần 64% (ghi nhận hơn 2.900 ca mắc), tay chân miệng (TCM) giảm gần 80% (hơn 280 ca mắc), sởi giảm hơn 99% (3 ca mắc), toàn tỉnh không có ca mắc bạch hầu.

 

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Bác sĩ Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, có được kết quả trên nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; nguồn kinh phí chống dịch được cấp sớm. Đồng thời, ngành y tế các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm; trong đó, chú trọng duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát chặt, phát hiện sớm các ca nghi ngờ, ca mắc tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng, nhất là ca bệnh SXH, TCM. Qua đó, tiến hành khoanh vùng, cách ly, dập dịch kịp thời; xử lý triệt để các ổ dịch; chủ động phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở những địa bàn có nguy cơ và nguy cơ cao. Đồng thời,  duy trì tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trong độ tuổi nhằm tăng tỷ lệ phòng bệnh trong cộng đồng...


Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 138 ổ dịch SXH, 8 ổ dịch TCM; truyền thông phòng, chống các dịch bệnh cho gần 150.000 hộ gia đình; phát 35.400 tờ rơi. Có 24 trạm y tế được chọn triển khai việc nhận nuôi cá bảy màu thả vào các dụng cụ chứa nước cho các chiến dịch diệt lăng quăng tại địa phương; tiến hành phun hóa chất chủ động cho 45 thôn, tổ thuộc 21 xã, phường, thị trấn; ra quân diệt lăng quăng cho hơn 7.340 hộ. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp cho các địa phương hơn 900kg Cloramin B, hơn 2.000 cục xà phòng, 23.000 trang phục chống dịch…


Không chủ quan


Tuy số ca mắc các bệnh truyền nhiễm giảm, nhưng theo dự báo của ngành Y tế, từ đây đến cuối năm, 2 dịch bệnh trọng điểm là SXH và TCM sẽ tăng số ca mắc nếu các địa phương chủ quan, không triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.


Theo bác sĩ Dõng, nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, xen kẽ những cơn mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh SXH sinh sôi và phát triển. Người dân ở một số địa phương có thói quen trữ nước ở nhiều dụng cụ nhưng không che đậy kỹ, tạo điều kiện cho muỗi vằn đẻ trứng, hình thành nên các ổ lăng quăng. Cùng với đó, chiến dịch diệt lăng quăng ở một số nơi chủ yếu là vận động và nhắc nhở mà không cùng với người dân trực tiếp xử lý, loại bỏ những dụng cụ dễ phát sinh ổ dịch nên hiệu quả đạt thấp; nhiều hộ chưa có ý thức trong phòng dịch, không chủ động dọn vệ sinh, để phát sinh các ổ lăng quăng làm giảm hiệu quả chống dịch; một số ca bệnh tản phát, không xác định nguồn lây, gây khó cho công tác giám sát và xử lý dịch triệt để…


Tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mới đây, bác sĩ Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế từ nay đến cuối năm tiếp tục duy trì kết quả đạt được; đồng thời tăng cường các giải pháp đã triển khai, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp để người dân hiểu rõ và tích cực tham gia chống dịch. Tùy tình hình dịch bệnh, các địa phương chủ động tổ chức các đợt diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi cho phù hợp; theo dõi, giám sát các ca bệnh, đặc biệt là ở những nơi có ổ dịch và số ca mắc cao, hạn chế thấp nhất số ca mắc...


Để tránh tình trạng dịch chồng dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động chống dịch trên địa bàn tỉnh chỉ thật sự thành công khi cả cộng đồng, từng hộ gia đình chung tay thực hiện.


C.Đan