11:10, 22/10/2015

Tích cực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

Tuy không phải là "điểm nóng" của tỉnh Khánh Hòa nhưng số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã gần 100 ca.

Tuy không phải là “điểm nóng” của tỉnh Khánh Hòa nhưng số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã gần 100 ca. Huyện đang nỗ lực ngăn chặn dịch SXH.


Ông Nguyễn Phú Khuê - Đội phó Đội Y tế dự phòng huyện cho biết, tính đến ngày 20-10, toàn huyện có 93 ca mắc SXH, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 6 ca. Trong đó, thị trấn Khánh Vĩnh là tâm điểm của dịch SXH với 62 ca.

 

Phun thuốc diện rộng tại thị trấn Khánh Vĩnh
Phun thuốc diện rộng tại thị trấn Khánh Vĩnh


Để ngăn chặn dịch SXH, huyện đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế, huy động các lực lượng vào cuộc; đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, hợp tác tiêu diệt mầm bệnh phát sinh... Đến nay, huyện đã tổ chức 10 đợt tổng vệ sinh, diệt lăng quăng và phun thuốc trừ muỗi, trong đó phun thuốc diện rộng 3 lần, chủ yếu tại thị trấn Khánh Vĩnh và các xã có dịch; theo dõi chặt các ca bệnh...


Ông Khuê cho biết thêm: “Đến thời điểm này, dịch SXH có dấu hiệu chững lại, tuần 2 và 3 của tháng 10 chưa thấy số mắc mới. Tuy nhiên, ngành Y tế không chủ quan, tiếp tục triển khai thực hiện theo kế hoạch. Khó khăn hiện nay là một số địa phương vẫn còn lơ là, ỷ lại vào ngành Y tế, chưa tích cực vào cuộc. Người dân tuy được vận động, hướng dẫn song vẫn còn chủ quan, không thực hiện các hoạt động phòng, chống như vệ sinh môi trường, che đậy dụng cụ, vật dụng chứa nước làm phát sinh muỗi, bọ gậy...; máy phun đặc chủng của huyện còn thiếu nên chưa thể chủ động khi chiến dịch triển khai trên diện rộng...”.


Ông Diệp Bảo Lộc - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện cho hay: Trung tâm đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH từ tháng 4; chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường vận động, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh SXH, tiêu diệt bọ gậy/lăng quăng; theo dõi, điều trị bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em. Đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân SXH; bố trí đầy đủ phòng, giường cho bệnh nhân, tổ chức khu cách ly điều trị SXH... “Hiện dịch SXH trên địa bàn có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, thời điểm dịch SXH bùng phát mạnh là mùa mưa nên người dân không nên chủ quan, xem thường. Ngành Y tế đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đối phó với dịch, vì thế người dân cần hợp tác để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả”, ông Lộc nói.


P.L