20:04, 18/03/2024

Khánh Vĩnh: Cần quyết liệt hơn trong phòng, chống sốt rét

C.ĐAN

Năm 2023, bệnh nhân mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến với 209 ca mắc, tăng gần gấp 17 lần so với năm trước. Trong đó, huyện Khánh Vĩnh chiếm tới 197 ca. Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh sốt rét trên địa bàn Khánh Vĩnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương phải vào cuộc quyết liệt.

Khó cắt nguồn lây

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 47 ca mắc sốt rét; 9/15 xã, thị trấn ghi nhận ca mắc, trong đó xã Khánh Phú chiếm nhiều nhất với 20 ca. Đáng lưu ý, gần 92% số người mắc sốt rét đều do đi rừng, rẫy và ở lại đêm tại rẫy.

Bà Hồ Thị Thanh Tiên - Trưởng Trạm Y tế xã Khánh Phú cho biết, 20 ca mắc của xã đều là người dân địa phương thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy. Hiện nay, các ca bệnh nói trên đã điều trị khỏi, xét nghiệm cho kết quả âm tính với ký sinh trùng sốt rét, vẫn đang được trạm y tế theo dõi sức khỏe. Tương tự, xã Giang Ly ghi nhận 2 ca, cả 2 người này đều đi rừng và ngủ lại ở rẫy. “Toàn xã có khoảng 100 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Trong đó có, gần 220 người thường xuyên đi rừng, rẫy, có khoảng 30 người ngủ lại ở rẫy một tuần mới về một lần”, ông Hà Nam - Trưởng Trạm Y tế xã Giang Ly cho biết.

Cán bộ y tế lấy mẫu máu người dân ở huyện Khánh Vĩnh để xét nghiệm sàng lọc ca bệnh sốt rét.
Cán bộ y tế lấy mẫu máu người dân ở huyện Khánh Vĩnh để xét nghiệm sàng lọc ca bệnh sốt rét.

Đứng trước tình hình số ca mắc tăng, với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin” (RAI3E), ngành Y tế huyện Khánh Vĩnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục duy trì 2 tổ phòng, chống dịch; quản lý, điều trị theo dõi, giám sát ổ bệnh; đẩy mạnh truyền thông và phát hàng ngàn tờ rơi cho người dân. Bên cạnh đó, địa phương tiến hành phun hóa chất tồn lưu cho các hộ dân, nhà rẫy ở các thôn có nguy cơ cao tại xã Khánh Đông, Khánh Thượng, Khánh Phú, với tổng số gần 1.660 lượt người được bảo vệ. Địa phương đã và đang bàn giao 2.570 chiếc màn, 2.120 võng bọc màn có tẩm hóa chất tồn lưu do Dự án RAI3E hỗ trợ cho các xã có nguy cơ cao. Đồng thời, chủ động lấy máu xét nghiệm cho tất cả trường hợp sốt, người nghi ngờ mắc sốt rét, đặt biệt là các hộ gia đình thường xuyên ở rừng, rẫy. Qua 7 đợt lấy máu xét nghiệm sàng lọc cho gần 1.490 người, phát hiện có 3 trường hợp dương tính với ký sinh trùng sốt rét…

Ông Trần Văn Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Tuy ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhưng ý thức về phòng bệnh sốt rét của một số người dân chưa cao, còn chủ quan, nhất là việc tham gia lấy máu xét nghiệm, tẩm màn, ngủ mùng… Mầm bệnh vẫn đang tồn tại trong rừng, rẫy. Trong khi đó, khu vực rừng rẫy của người dân ở xa, đường đi lại khó khăn, cán bộ y tế gặp khó trong việc triển khai các giải pháp phòng bệnh ở những khu vực này. Bên cạnh đó, đời sống của người dân địa phương chủ yếu gắn liền với rừng, rẫy nên việc cắt được nguồn lây rất khó khăn”.

Người dân nên chủ động phòng bệnh

Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, có 5 loại ký sinh trùng gây bệnh, riêng Khánh Vĩnh ghi nhận lưu hành 4 loại. Trong đó, sốt rét do P.falciparum có thể gây ra sốt rét ác tính, thuộc dạng nguy kịch, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Điều đáng báo động, hiện tại, số ca mắc sốt rét do ký sinh trùng này chiếm gần 62% tổng số ca mắc ở Khánh Vĩnh. 

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lưu ý: “Kết quả điều tra của trung tâm và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã tìm thấy muỗi Anophen trong các khu vực rừng, rẫy ở Khánh Vĩnh. Đây là vật trung gian đốt người bệnh sốt rét và truyền ký sinh trùng sang người khác làm ca bệnh tăng lên. Một người vừa khỏi bệnh sốt rét có thể tái mắc bệnh do nhiễm ký sinh trùng sốt rét khác. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu đi vào vùng rừng núi nơi đang có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt”.

Để phòng, chống bệnh sốt rét, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân cần thường xuyên ngủ mùng có tẩm hóa chất diệt muỗi, nằm mùng ngay cả ban ngày; buổi tối mặc quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt, cần sử dụng nhang, kem xua muỗi. Mỗi gia đình cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, phát quang, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải xếp gọn gàng, không treo trên móc, trên tường làm chỗ cho muỗi đậu. Người dân cần hợp tác tốt với cán bộ y tế khi triển khai phun thuốc và tẩm mùng. Khi thấy có triệu chứng của bệnh, như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

C.ĐAN