10:11, 17/11/2022

Truyền cảm hứng cho học trò

Gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang luôn trăn trở về việc đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng khởi cho học sinh khi đến lớp. Cô đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Gần 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang luôn trăn trở về việc đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng khởi cho học sinh (HS) khi đến lớp. Cô đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được áp dụng và nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.


Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy


Tự nhiên và Xã hội là môn HS tiểu học đã được làm quen từ năm lớp 1 và 2. Song khi lên lớp 3, tính khái quát và khoa học của môn học được nâng lên, nhiều em gặp khó khăn trong việc nắm bắt kiến thức và thường ghi nhớ một cách máy móc. Vì thế, cô Nhung đã sử dụng biện pháp “sơ đồ tư duy” để tiết học thêm hấp dẫn, tạo cho HS sự hứng thú. Từ nội dung kiến thức trọng tâm (như một từ khóa, một hình ảnh…), cô thiết kế lược đồ phân nhánh với các dữ kiện liên quan nhau để xây dựng bài học thành hệ thống logic, dễ hiểu. Cô cho biết: “Khi kiểm tra bài cũ, tôi xây dựng sơ đồ yêu cầu HS điền vào phần còn thiếu thông tin. Khi dạy bài mới, tôi cho HS thảo luận nhóm, trình bày sơ đồ theo ý hiểu của mình, các nhóm nhận xét nhau rồi đối chiếu với sơ đồ của cô. Cũng có khi sơ đồ tư duy được xây dựng thông qua câu trả lời của HS, hoặc sử dụng để củng cố kiến thức…”.

 

Cô Nhung cùng các học trò.

Cô Nhung cùng các học trò.


Bên cạnh đó, để phát huy tính tích cực, chủ động của HS, cô Nhung thường xuyên tổ chức các hình thức dạy học nhóm để HS tranh luận, tổ chức nhiều “trò chơi học tập” như: Chơi “truyền tin” rèn trí nhớ, phản xạ nhanh; thử làm hướng dẫn viên du lịch; đóng vai xử lý tình huống; thi “Rung chuông vàng”, thi “tìm ẩn số” để tìm ra những kiến thức, biểu tượng liên quan đến bài học… Những giải pháp đó đã được áp dụng hiệu quả tại nhà trường và nhân rộng ra các trường trên địa bàn thành phố. “Thực hiện các phương pháp, hình thức và kỹ thuật tổ chức dạy học mới lạ, giáo viên sẽ vất vả, mất nhiều thời gian, công sức hơn so với bình thường. Nhưng nhờ vậy, HS sẽ hiểu sâu, nhớ lâu, hứng thú với môn học”, cô chia sẻ.


Động viên, khích lệ học trò


Làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, cô Nhung luôn trăn trở làm thế nào để rèn cho HS tính tích cực, chủ động trong học tập, sinh hoạt, biết lắng nghe, hợp tác, biết đoàn kết, yêu thương bạn bè. Vì thế, cô đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm. Đối với nhóm HS có năng lực học tập hạn chế, cô giao nhiệm vụ vừa sức, quan tâm đến từng tiến bộ nhỏ, khích lệ để các em thêm hứng thú. Đối với HS có hoàn cảnh khó khăn, cô cùng ban đại diện cha mẹ HS vận động các nhà hảo tâm và phụ huynh hỗ trợ. Với những em hiếu động, cô thường xuyên nhắc nhở, uốn nắn…


Cô Nhung chia sẻ, dù với đối tượng HS nào, người giáo viên đều phải dùng phương pháp tác động tình cảm, động viên, khích lệ kịp thời, phối hợp với phụ huynh để giáo dục. Trong đó, luôn xác định vấn đề giáo dục đạo đức là then chốt. Mỗi em đều có ưu điểm, hạn chế riêng, điều quan trọng là tạo điều kiện để các em được thể hiện năng khiếu, sở trường của mình. Phần thưởng dành cho các em có khi là lời khen ngợi, hay những điểm cộng, những bông hoa điểm tốt, phần thưởng nho nhỏ, nhưng các em đều rất vui và tiến bộ từng ngày. Các em đã biết thăm hỏi bạn khi đau ốm, chia sẻ khi bạn gặp khó khăn, biết đem những cuốn sách cũ tặng cho thư viện trường, tích cực tham gia phong trào ủng hộ quỹ bạn nghèo của trường, lớp…


Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết, cô Nhung là tổ trưởng chuyên môn tổ 3, cũng là một trong những giáo viên xuất sắc của trường, có năng lực và tầm ảnh hưởng với nhiều đóng góp cho thành tích của trường. Không chỉ là một nhà giáo yêu nghề, yêu thương HS, cô còn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình cho đồng nghiệp. Cô cũng là thành viên Ban biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh cấp tiểu học; một Phó Chủ tịch Công đoàn trường năng nổ, trách nhiệm; một nhà giáo được đồng nghiệp, HS yêu mến, phụ huynh tín nhiệm.

 

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung là 1 trong 2 giáo viên của tỉnh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về thành tích xuất sắc, tiêu biểu giai đoạn 1982-2022. Trước đó, cô đã có 7 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố; 1 lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen…


H.NGÂN