12:09, 18/09/2015

Trường Đại học Khánh Hòa: Góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hôm nay (18-9), Ban chỉ đạo Trường Đại học Khánh Hòa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập trường. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh sự kiện này, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết

Hôm nay (18-9), Ban chỉ đạo Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập trường. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh sự kiện này, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Khánh Hòa cho biết:


Ngày 3-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1234 thành lập Trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở Trường Cao đẳng (CĐ) Sư phạm Nha Trang và Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Đây là cơ sở giáo dục ĐH công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa. Theo đề án, trường được đầu tư xây dựng cơ sở chính tại thôn Vân Đăng, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang. Đây sẽ là nơi đặt khu hiệu bộ, các phòng, ban chức năng, khu giảng đường, ký túc xá, khu nhà dành cho giảng viên, khu thể thao... Trước mắt, cơ sở chính của trường đặt tại số 1 Nguyễn Chánh, TP. Nha Trang (Trường CĐ Sư phạm Nha Trang). Sau khi cơ sở chính tại thôn Vân Đăng xây dựng xong, trường sẽ chuyển về đây. Cơ sở 2 của trường đặt tại số 52 Phạm Văn Đồng, TP. Nha Trang (Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang). Đây là nơi đào tạo, thực hành các ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ngoại ngữ. Ngoài ra, trường còn có Trung tâm Công nghệ sinh học và môi trường sẽ được xây dựng tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.


- Ngày 1-10 tới, Trường ĐH Khánh Hòa sẽ chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm này, việc chuẩn bị các điều kiện hoạt động của nhà trường đã tiến hành đến đâu, thưa bà?


- Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo ĐH Khánh Hòa, hai trường CĐ đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ, viên chức, tiến hành kiểm kê tài sản, quyết toán tài chính trong quý III, chốt bảo hiểm xã hội... để bàn giao cho ĐH Khánh Hòa; đảm bảo các hoạt động của hai trường CĐ khi chuyển giao cho trường ĐH Khánh Hòa được liên tục, thông suốt. Sau lễ công bố quyết định thành lập, trường sẽ tiến hành hoàn thiện các thủ tục xin phép hoạt động đào tạo và mở mã ngành đào tạo theo đề án. Đồng thời, hình thành bộ máy tổ chức mới để trường nhanh chóng đi vào hoạt động.

 

Về đội ngũ giảng viên, tính đến tháng 8-2015, tổng số biên chế cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường ĐH Khánh Hòa là 386 người; trong đó, có 305 người đảm nhiệm công tác giảng dạy. Khi đi vào hoạt động, nhà trường có 1 phó giáo sư, 21 giảng viên có trình độ tiến sĩ (tỷ lệ 7,2%), 190 giảng viên trình độ thạc sĩ (tỷ lệ 62,3%), 93 giảng viên trình độ ĐH (tỷ lệ 30,5%). Ngoài ra, nhà trường có 30 nghiên cứu sinh, 27 giảng viên đang học cao học. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường đã đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với ngành nghề mà nhà trường đang xin phép đào tạo trình độ ĐH. Bên cạnh đó, các cán bộ, giảng viên có tay nghề vững, có kiến thức, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và sử dụng tiếng Anh. Đây là cơ sở để nhà trường thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục, đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ ĐH theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


- Trường ĐH Khánh Hòa sẽ đào tạo những ngành gì, thưa bà?


- Theo Đề án thành lập Trường ĐH Khánh Hòa, Bên cạnh các ngành mà 2 trường CĐ trên đang đào tạo thuộc các lĩnh vực: sư phạm, văn hóa, nghệ thuật, du lịch, ngoại ngữ, trường sẽ đào tạo các ngành trình độ ĐH theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (2015 - 2020), nhà trường đào tạo 8 ngành: Việt Nam học, Quản lý văn hóa, Vật lý kỹ thuật, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga. Giai đoạn 2 (2021 - 2025) đào tạo thêm 5 ngành: Công tác xã hội, Quản lý thể dục thể thao, Luật, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Quản trị khách sạn.


Hiện nay, nhà trường đã hoàn thành 8 chương trình đào tạo trình độ ĐH giai đoạn 1. Sau khi được cấp phép hoạt động đào tạo, nhà trường sẽ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định các đề án mở những ngành đào tạo trên. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của địa phương và cả nước, nhà trường sẽ chuẩn bị các điều kiện để xin phép mở thêm các ngành đào tạo mới phù hợp. Từ năm học 2016 - 2017, trường bắt đầu tuyển sinh các ngành đào tạo trình độ ĐH.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


- Công tác chuẩn bị cho việc đi vào hoạt động của nhà trường có khó khăn gì không, thưa bà?


- Là một trong những công trình trọng điểm đầu tư của tỉnh nên những năm qua, Trường ĐH Khánh Hòa đã được UBND tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để từng bước thành lập, xây dựng và phát triển. Trên cơ sở 2 trường CĐ có truyền thống, bề dày thành tích và kinh nghiệm liên kết hợp tác đào tạo trình độ ĐH với nhiều trường ĐH trong cả nước, Trường ĐH Khánh Hòa có tiền đề thuận lợi để xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ ĐH và tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là trường mới thành lập nên thông tin, hình ảnh của nhà trường đến với người dân và học sinh chưa nhiều. Thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu về hình ảnh của trường.


Phải khẳng định rằng, việc thành lập Trường ĐH Khánh Hòa là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo và giảng viên của 2 trường CĐ nói riêng và của tỉnh, của nhân dân Khánh Hòa nói chung. Trường ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


Việc bố trí, sắp xếp cán bộ, giảng viên của 2 trường CĐ về các phòng, ban, khoa theo tổ chức bộ máy của Trường ĐH Khánh Hòa được tiến hành dựa theo nguyên tắc ổn định, theo các chuyên ngành đào tạo, đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên vẫn diễn ra bình thường. Đối với việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ, trường thực hiện theo quy định của cấp trên, đảm bảo đúng quy trình. Trường cũng đã làm công tác tư tưởng cho cán bộ, giảng viên, sinh viên để họ yên tâm công tác, giảng dạy và học tập. Nhìn chung, đa số cán bộ, giảng viên, sinh viên đều đồng thuận và phấn khởi, sẵn sàng cho sự hoạt động của Trường ĐH Khánh Hòa.


- Theo Nghị quyết số 77 ngày 24-10-2014 của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017, cơ sở giáo dục ĐH công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Xin bà cho biết phương hướng tự chủ của Trường ĐH Khánh Hòa?


- Để đảm bảo nguồn chi thường xuyên cho Trường ĐH Khánh Hòa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính giữ nguyên nguồn chi thường xuyên của 2 trường CĐ được sáp nhập; trên cơ sở đó, cân đối, bổ sung chi thường xuyên để Trường ĐH Khánh Hòa hoạt động hiệu quả trong những năm đầu mới thành lập. Tuy nhiên, nhà trường sẽ cam kết hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm có lộ trình theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017.


- Xin cảm ơn bà!


H .NGÂN (Thực hiện)