10:08, 07/08/2022

Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc kết nối, thu hút người lao động đến với doanh nghiệp trong thời gian tới là vấn đề đáng quan tâm.

 

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc kết nối, thu hút người lao động (NLĐ) đến với doanh nghiệp trong thời gian tới là vấn đề đáng quan tâm.


Nhu cầu tuyển dụng lớn


Tham gia tại phiên giao dịch việc làm ở huyện Diên Khánh mới đây, Công ty Cổ phần Vinpearl Chi nhánh Nha Trang có nhu cầu tuyển dụng gần 400 lao động vào làm việc ở nhiều vị trí. Thế nhưng, kết thúc phiên giao dịch, công ty chỉ tiếp cận được 20 lao động và chỉ có 3 người được mời tiếp tục dự tuyển, số lao động còn lại không đạt yêu cầu. Mặc dù đơn vị đưa ra mức thu nhập tối thiểu hơn 8 triệu đồng/tháng và thực hiện đầy đủ các chế độ theo quy định, có phúc lợi, môi trường làm việc an toàn, chuyên nghiệp… nhưng vẫn không thu hút được lao động.

 

Các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm.

Các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng lao động tại phiên giao dịch việc làm.


Công ty TNHH Hải Vương (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) cũng có nhu cầu tuyển gần 400 lao động cho các vị trí chế biến thủy sản, thủ kho, cơ điện, lái xe nâng. Đơn vị đưa ra mức thu nhập từ 7 đến 12 triệu đồng/tháng, đảm bảo đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật và nhiều chính sách phúc lợi khác. Riêng vị trí chế biến thủy sản, đơn vị cần hơn 300 người và không đòi hỏi về trình độ bằng cấp. Những tháng qua, công ty đã tham gia nhiều kênh tuyển dụng nhưng không tuyển được lao động đáp ứng nhu cầu.


Hay Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang có nhu cầu tuyển gần 300 lao động, nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa tuyển đủ số lượng… Đa số các DN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.


Chỉ mới đáp ứng được 50%


Để giúp DN tuyển lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kết nối nhưng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu của các DN. Lý giải về điều này, ông Chu Văn Công - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, do mức lương và chế độ đãi ngộ các DN đưa ra chưa hấp dẫn NLĐ; điều kiện làm việc, phúc lợi xã hội, nơi ăn ở, đi lại chưa đáp ứng nhu cầu sống của NLĐ tại các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất nên khó tuyển lao động. Cùng với đó, nhiều DN chỉ tuyển lao động trẻ (từ 18 đến 35 tuổi), trong khi tuổi của những NLĐ thất nghiệp quay lại thị trường lao động phần lớn cao hơn tuổi lao động doanh nghiệp cần.


Về phía NLĐ, năng lực và tay nghề chưa đáp ứng nhu cầu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc theo mong muốn của DN; nhiều lao động chưa định hướng rõ nghề nghiệp và luôn mang tâm lý sẵn sàng bỏ việc khi công việc không phù hợp và khó khăn; kỹ năng mềm và ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu làm việc nên khó được tuyển dụng. Phần lớn lực lượng lao động trẻ có xu hướng đi tìm việc làm ở các thành phố lớn; một phần lao động tiềm năng (lao động trẻ) còn thụ động, không tham gia hoạt động kinh tế.


Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều kênh tuyển dụng lao động tự phát trên mạng xã hội phát triển mạnh và không được kiểm soát, quản lý dẫn đến tâm lý NLĐ lo sợ sập bẫy lừa đảo; khả năng tiếp cận thông tin việc làm chính thống, an toàn và đầy đủ từ các đơn vị chức năng của NLĐ, nhất là lao động vùng nông thôn còn hạn chế…


Nâng cao kết nối cung - cầu


Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để tuyển dụng được lao động, trước tiên, các DN cần nâng cao chế độ tiền lương, phúc lợi đối với NLĐ. Cùng với đó, các trường nghề, trường đại học cần có định hướng đào tạo những ngành nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN hiện nay; phối hợp chặt chẽ với DN có nhu cầu tuyển dụng trong tổ chức đào tạo, thực hành trên hệ thống thiết bị, máy móc, dây chuyền của DN, đảm bảo kỹ năng làm việc ngay sau khi ra trường phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Các địa phương cần tăng cường thu thập dữ liệu biến động lao động và rà soát những NLĐ thất nghiệp, lao động tiềm năng tại địa phương; thực hiện chế độ thông tin và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tư vấn hỗ trợ NLĐ tiếp cận thông tin việc làm.


Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tăng cường nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm (trực tiếp và trực tuyến), góp phần tăng tỷ lệ kết nối việc làm thành công; thực hiện liên kết tuyển dụng lao động với 63 tỉnh, thành để thu hút lao động; đầu tư nâng cấp trang thông tin điện tử về nội dung và giao diện, nâng cao mức tương tác trên fanpage của trung tâm nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tìm kiếm việc làm, tuyển dụng; khai thác sự lan tỏa nhanh của các trang mạng xã hội và kênh báo chí để thông tin tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm việc của NLĐ. Bên cạnh đó, thường xuyên thu thập thông tin cung - cầu lao động và xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người một cách khoa học, trực quan và dễ tiếp cận; sử dụng thuật toán kết hợp trí tuệ nhân tạo để sàng lọc dữ liệu, ghép dữ liệu tìm việc với việc làm nhanh nhất và phù hợp nhất với năng lực của NLĐ khi đăng ký để hỗ trợ kết nối; theo dõi, sàng lọc thường xuyên nhu cầu tìm việc của NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để giúp họ quay trở lại thị trường lao động sớm nhất…

 

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, các DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.400 lao động thuộc 16 nhóm ngành nghề. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông hơn 6.000 người, sơ cấp hơn 400 người, trung cấp hơn 1.000 người, cao đẳng hơn 700 người, đại học hơn 300 người. Đồng thời, có hơn 4.600 lao động có nhu cầu tìm việc làm.

Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu nhân lực trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ tăng khoảng 6% so với quý II/2022, tập trung ở các ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác… Dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 4,78%, cao đẳng 8,47%, trung cấp 11,89%, sơ cấp 11,77%, phổ thông 63,09%.
 


VĂN GIANG