10:03, 08/03/2021

Trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng: Công tác phối hợp cần được tăng cường

Pháp luật đã có nhiều quy định về việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nhưng việc thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Tăng cường công tác phối hợp chính là giải pháp cần thực hiện lúc này.

Pháp luật đã có nhiều quy định về việc trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng, nhưng việc thực hiện vẫn còn khiêm tốn. Tăng cường công tác phối hợp chính là giải pháp cần thực hiện lúc này.  


Tỷ lệ thấp


TGPL trong hoạt động tố tụng đã được ghi nhận trong các bộ luật, luật tố tụng và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Luật TGPL quy định các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL hưởng quyền TGPL; người TGPL tham gia tố tụng. Thông tư liên tịch số 10/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích về quyền được TGPL cho người  thuộc diện được TGPL; ra văn bản thông báo cho trung tâm TGPL khi có đối tượng yêu cầu TGPL; ra văn bản thông tin cho trung tâm TGPL khi đối tượng chưa có yêu cầu TGPL. Cuối năm 2019, TAND Tối cao có Công văn số 244 chỉ đạo TAND và tòa án quân sự các cấp phối hợp với trung tâm TGPL và các chi nhánh tạo điều kiện cho người TGPL trực tại tòa án, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

 

Hội thảo góp ý dự thảo tài liệu hướng dẫn người trợ giúp pháp lý trực tại tòa án cuối năm 2020.

Hội thảo góp ý dự thảo tài liệu hướng dẫn người trợ giúp pháp lý trực tại tòa án cuối năm 2020.


Quy định đã cơ bản đầy đủ, nhưng thực tế, số vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số vụ án do tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp. Theo thống kê của TAND Tối cao, năm 2018, số vụ việc tham gia tố tụng mà các tổ chức TGPL thực hiện chỉ chiếm 3,4% số vụ việc tòa án giải quyết. Năm 2019, tỷ lệ này chiếm 4,6%. Tại Khánh Hòa, theo ông Phan Biên Cường - Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, năm 2017, trung tâm tiếp nhận 19 vụ việc; năm 2018 là 50 vụ việc và năm 2020 là 70 vụ việc. Trong khi đó, nhiệm kỳ 2016 - 2020, TAND 2 cấp tỉnh giải quyết gần 39.400 vụ việc. Riêng năm 2020, các tòa án giải quyết gần 8.000 vụ việc, nhưng chỉ giới thiệu được sang trung tâm 2 vụ (1 vụ hình sự, 1 vụ dân sự); còn lại hơn 1/2 vụ việc của trung tâm do bên công an giới thiệu; ngoài ra do các đối tượng tự đến yêu cầu. Theo phân tích của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, việc hướng dẫn quyền được TGPL mới chú trọng đến các vụ án hình sự, một phần do tòa án có khối lượng công việc nhiều, cán bộ ở bộ phận nhận đơn ít, dẫn đến khả năng bỏ sót đối tượng được TGPL.


Cần sớm có chương trình phối hợp

 

Luật TGPL năm 2017 quy định 14 đối tượng được TGPL, gồm: Người có công với cách mạng và người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; hoặc thuộc hộ cận nghèo; 8 đối tượng có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV).

Để không bỏ sót đối tượng được TGPL, cần có người TGPL trực tại tòa. Muốn vậy, phải đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và TAND Tối cao để cử người TGPL trực tại tòa án. Trước mắt, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc xây dựng dự thảo tài liệu hướng dẫn người TGPL trực tại tòa án. Cuối năm 2020, tại Khánh Hòa, 3 cơ quan trên đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo tài liệu này. Thẩm phán Trần Anh Khoa - Chánh Văn phòng TAND tỉnh thừa nhận, để người được TGPL trong các vụ việc tham gia tố tụng được tiếp cận kịp thời với dịch vụ TGPL, cần phải tăng cường phối hợp giữa tòa án và các tổ chức TGPL, trong đó cần bố trí người TGPL trực tại tòa. Ông Phan Biên Cường cũng đánh giá, việc bố trí người TGPL trực tại tòa là chủ trương rất đúng đắn, thuận lợi cho người dân.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, hiện nay, tuy chưa có quy định cho người TGPL trực tại tòa án nhưng một số nơi như: TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Quảng Bình, Bạc Liêu, Đồng Nai, Tây Ninh… đã cử người TGPL trực tại tòa để tiếp nhận, tư vấn cho người thuộc diện TGPL. Nhưng do chưa có quy định cụ thể nên có thể dẫn đến bỏ sót đối tượng được TGPL trong tố tụng. Việc xây dựng tài liệu hướng dẫn người TGPL trực tại tòa án là cần thiết. Dự thảo tài liệu hướng dẫn trên quy định, người TGPL trực tại tòa án là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với trung tâm TGPL, viên chức đang tập sự tại trung tâm TGPL, viên chức là chuyên viên pháp lý. Nhưng để phù hợp với pháp luật tố tụng nói chung và Luật TGPL nói riêng, chỉ nên quy định 2 đối tượng là trợ giúp viên pháp lý và luật sư; các đối tượng khác (nếu có) chỉ giúp việc cho người TGPL. Như vậy, khi các đối tượng được TGPL tiếp xúc trực tiếp với người TGPL trực tại tòa án, quyền, lợi ích hợp pháp của họ mới được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, không qua khâu trung gian, thủ tục hành chính không cần thiết. Ngoài ra, thực tế việc bỏ sót đối tượng TGPL thường xảy ra ở các vụ án hành chính, dân sự, trong khi tố tụng dân sự, hành chính hoàn toàn khác với tố tụng hình sự. Vì vậy, chỉ khi có quy chế phối hợp cụ thể, người TGPL trực tại tòa án mới giúp được các đương sự là đối tượng TGPL từ giai đoạn nộp đơn khởi kiện, kháng cáo đến xét xử.


NGUYỄN VŨ