12:02, 25/02/2021

Ninh Hòa: Chú trọng nông nghiệp an toàn

Giai đoạn 2010 - 2020, Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa được đánh giá là điểm sáng trong việc đồng hành, vận động hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất an toàn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản.

Giai đoạn 2010 - 2020, Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa được đánh giá là điểm sáng trong việc đồng hành, vận động hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất an toàn, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản.


Nhiều mô hình nông nghiệp an toàn


Theo ông Trương Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, những năm qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn đã được nông dân trên địa bàn chú trọng triển khai, áp dụng. Đồng hành với hội viên, nông dân, Hội Nông dân thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể, mô hình sản xuất an toàn trong nông nghiệp, giúp hội viên phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống.

 

Gạo Ngọc Quang tại xã Ninh Quang được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Gạo Ngọc Quang tại xã Ninh Quang được sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.


Đồng thời, hội còn hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là mô hình trồng rau tưới phun tự động ở tổ dân phố Tân Kiều, phường Ninh Đa; trồng nấm thương phẩm của hộ ông Nguyễn Văn Sáng ở tổ dân phố Phú Thọ 3, phường Ninh Diêm; mô hình tưới nhỏ giọt trên cây bưởi da xanh của hộ ông Nguyễn Văn Đông ở thôn 1, xã Ninh Sơn… Hội còn hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP như: Mô hình trồng nấm thương phẩm phường Ninh Diêm; sản xuất hẹ, rau an toàn đạt chuẩn VietGAP ở xã Ninh Đông; mô hình nông nghiệp gắn với du lịch phát triển sinh thái tại xã Ninh Thượng; trồng tỏi thương phẩm ở xã Ninh Vân; sản xuất nấm ở xã Ninh Hưng; trồng dừa xiêm Vạn Thiện và trồng sen ở phường Ninh Đa; mô hình gạo Ngọc Quang ở xã Ninh Quang... Các mô hình này không chỉ góp phần giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư bài bản mà còn đạt được mục tiêu nâng tầm phát triển nông nghiệp, sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã.


Trợ lực cần thiết


Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã Ninh Hòa đang quản lý hơn 14 tỷ đồng cũng đã kịp thời hỗ trợ đầu tư vào các dự án, mô hình và trở thành trợ lực cần thiết cho hội viên nông dân trong quá trình chuyển đổi, mở rộng sản xuất.


Theo lãnh đạo Hội Nông dân thị xã, nguồn quỹ này đã hỗ trợ cho 56 dự án - chủ yếu là các mô hình tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp an toàn - vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ nông dân theo phương thức trả chậm, trị giá hàng trăm triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị xã Ninh Hòa cho 1.783 hộ vay với tổng dư nợ tín chấp hơn 91 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ninh Hòa cho 7.165 hộ vay với tổng dư nợ hơn 160 tỷ đồng…


Cùng với hỗ trợ vay vốn, Hội Nông dân thị xã còn phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hàng chục lớp dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, trường trung cấp nghề, các cơ quan chức năng tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề cho 3.350 người được học những kiến thức, kỹ năng về nấu ăn, sản xuất lúa giống, trồng và chăm sóc cây cảnh, làm nấm, thuyền trưởng, máy trưởng, trồng hành, tỏi... Qua đó, hội viên, nông dân nắm vững khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.


Trong nhiệm vụ kết nối thị trường, Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công ty, siêu thị trên địa bàn tỉnh giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân tiếp cận được với thị trường, sản phẩm được bán tại nhà với giá ổn định và cao hơn thông qua các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp. Trong đó, Tổ hợp tác trồng sen và bao tiêu sản phẩm phường Ninh Đa; Tổ hợp tác trồng nấm xã Ninh Hưng; Tổ hội nghề nghiệp sản xuất hẹ và Hợp tác xã rau an toàn xã Ninh Đông; Tổ hợp tác trồng hành, tỏi xã Ninh Vân, Ninh Phước... đã có thị trường tiêu thụ ổn định ở trong và ngoài tỉnh. “Giúp cho hội viên, nông dân kết nối thị trường, sản xuất theo quy mô hàng hóa tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội nông dân trong những năm tới”, ông Trương Thanh Hòa cho biết.


Hồng Đăng