10:12, 30/12/2020

Nỗ lực giảm nghèo ở 2 huyện miền núi

Năm 2018, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được Chính phủ đưa vào diện huyện nghèo 30a. Từ đó, 2 huyện đã được quan tâm đầu tư, triển khai nhiều chính sách nên công tác giảm nghèo đạt được kết quả khá tích cực.

Năm 2018, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được Chính phủ đưa vào diện huyện nghèo 30a. Từ đó, 2 huyện đã được quan tâm đầu tư, triển khai nhiều chính sách nên công tác giảm nghèo đạt được kết quả khá tích cực.


Những kết quả tích cực


Sau khi được Chính phủ phê duyệt, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã xây dựng đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 184,8 tỷ đồng, địa phương hơn 95,2 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai các chính sách giảm nghèo tại 2 huyện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi. 2 địa phương đã bóc tách đất rừng, giao hơn 180ha đất sản xuất cho hơn 420 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo canh tác, phát triển kinh tế gia đình.

 

Hỗ trợ đào tạo nghề may  cho người nghèo huyện Khánh Sơn.

Hỗ trợ đào tạo nghề may cho người nghèo huyện Khánh Sơn.


Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho hơn 23.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay hơn 529 tỷ đồng từ các chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. 2 huyện cũng đã miễn giảm học phí cho hơn 14.300 lượt học sinh thuộc diện nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 9.800 học sinh và cho hơn 19.600 người vay vốn học sinh, sinh viên. Đồng thời, 2 địa phương đã tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 2.800 lao động thuộc diện hộ nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4,3 tỷ đồng. Qua đào tạo đã giúp hơn 2.300 người có việc làm, trong đó có nhiều người được vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp với mức thu nhập ổn định.


Việc hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được các cấp, ngành, địa phương lồng ghép với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình 135 nên đến nay, đã có 117 công trình được hoàn thành với số vốn đầu tư hơn 116 tỷ đồng, trong đó Khánh Sơn 47 công trình, Khánh Vĩnh 70 công trình. Đồng thời, hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng 76 công trình với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Để giúp người nghèo an cư lạc nghiệp, các cấp, ngành đã tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ xây hơn 350 căn nhà cho người dân 2 huyện với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Đối với những bệnh nhân là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, khi điều trị bệnh nội trú tại các cơ sở y tế được hỗ trợ tiền ăn và chi phí vận chuyển; được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Công tác hỗ trợ pháp lý cũng được thực hiện chu đáo. Các hộ nghèo còn được hỗ trợ tiền điện hàng tháng.


Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, thực hiện đề án giảm nghèo, được sự đầu tư kinh phí của Trung ương và tỉnh đã giúp bộ mặt của huyện có nhiều thay đổi; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện giúp người dân đi lại dễ dàng, giao thương, vận chuyển nông sản thuận lợi. Bên cạnh đó, nhiều công trình văn hóa được đầu tư giúp bảo tồn, gìn giữ và tạo nơi sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, thông qua các mô hình hỗ trợ đã giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, các chính sách về giáo dục, y tế, tín dụng, nhà ở, đất đai... cũng được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống. Những năm tới, địa phương mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh để tạo động lực cho huyện sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.


Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách


Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác giảm nghèo ở 2 huyện vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế như: Một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt triển khai các giải pháp và kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo; nguồn lực của địa phương, của hộ nghèo còn thấp, chưa đủ đối ứng; một bộ phận hộ nghèo vẫn còn suy nghĩ không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách, trong khi vai trò của chính quyền, đoàn thể cơ sở chưa phát huy hết… Do vậy, để công tác giảm nghèo của 2 huyện trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp. Trong đó, nghiên cứu áp dụng những giải pháp phù hợp với từng địa bàn, tập quán, hoàn cảnh gia đình hộ nghèo; chú trọng nguồn vốn đầu tư hàng năm cho công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo; huy động sức mạnh đoàn kết, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.


Bên cạnh đó, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn dân, nhất là người nghèo để thay đổi suy nghĩ, khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo; phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đồng thời, huy động các nguồn lực tham gia cùng thực hiện các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tín dụng…; nhân rộng các mô hình sản xuất và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình…


VĂN GIANG

 


 

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Nhiều năm qua, UBND tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Năm 2018, các đơn vị đã huy động hơn 5 tỷ đồng, năm 2019 hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân, địa phương.

_______________________________________________



Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo cả giai đoạn 2016 - 2020 bình quân của 2 huyện là 6,94%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết của Chính phủ (4%/năm). Cụ thể, năm 2016, huyện Khánh Sơn có 3.550 hộ nghèo, chiếm 57,27% dân số, đến nay chỉ còn 1.770 hộ nghèo, chiếm 25,21% dân số (mức giảm bình quân 6,4%/năm); năm 2016, huyện Khánh Vĩnh có 5.413 hộ nghèo, chiếm 61,27%, đến nay còn 2.414 hộ nghèo, chiếm 24,76% (mức giảm bình quân 7,3%/năm).