09:03, 09/03/2020

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Bước vào mùa khô, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục nằm trong vùng được cảnh báo nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm. Các địa phương, đơn vị chủ rừng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.
 

 

Bước vào mùa khô, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tục nằm trong vùng được cảnh báo nguy cơ cháy ở mức nguy hiểm. Các địa phương, đơn vị chủ rừng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
 
Nguy cơ cháy cao
 
Những ngày gần đây, diện tích rừng thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ven Tỉnh lộ 9 (đoạn qua đèo Khánh Sơn) luôn được cảnh báo cháy ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. “Các khu vực rừng lồ ô xen lẫn với rừng trồng 1 - 2 năm tuổi đã khô, thảm thực bì dưới tán rừng khá dày, rất dễ bắt lửa. Trong khi đó, rừng lại nằm sát đường giao thông, chỉ cần người dân bất cẩn khi sử dụng lửa ven rừng là bùng cháy. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô, ven tuyến đường đèo Khánh Sơn cũng xảy ra vài đám cháy do người dân bất cẩn”, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa nói.

 

Nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay tại thị xã Ninh Hòa rất cao.
Nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay tại thị xã Ninh Hòa rất cao.
 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đang quản lý diện tích rừng, đất rừng rất lớn, trải rộng trên địa phận 3 địa phương gồm: Cam Lâm, Cam Ranh và Khánh Sơn. Kết quả rà soát của đơn vị chủ rừng cho thấy, diện tích rừng được xác định có nguy cơ cháy cao gần 3.540ha, trong đó huyện Cam Lâm hơn 1.650ha, TP. Cam Ranh hơn 200ha và huyện Khánh Sơn hơn 1.680ha. Điều đáng lo là những diện tích rừng này đều nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở khi xảy ra cháy sẽ rất khó xử lý, kiểm soát.
 
Đã từng chịu thiệt hại nặng nề sau các đợt cháy rừng xảy ra tại khu vực Đa Rao (xã Khánh Thượng) vào tháng 8-2018, nên bước vào mùa khô năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa rất lo lắng vì thời tiết tại huyện miền núi Khánh Vĩnh nhiều tháng nay không có mưa, nguy cơ cháy đang hiện diện trước mắt. Trong lâm phận của đơn vị hiện có 3 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao gồm: vùng Khánh Phú - Sông Cầu có hơn 1.100ha rừng trồng sản xuất; vùng Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái có gần 3.460ha rừng tự nhiên, rừng trồng phòng hộ; vùng Khánh Thành - Cầu Bà có hơn 3.450ha rừng tự nhiên và rừng trồng phòng hộ. Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Ngoài yếu tố thời tiết, thảm thực bì dày, khô, điều chúng tôi lo lắng nhất là hầu hết các diện tích rừng có nguy cơ cháy cao đều tiếp giáp với nương rẫy của người dân. Cứ mỗi khi người dân đốt dọn nương rẫy, chúng tôi lại phải căng mình phòng cháy vì sợ cháy lan từ rẫy sang rừng”.
 
Tại thị xã Ninh Hòa, lực lượng chức năng đã xác định hơn 3.900ha rừng tự nhiên, rừng trồng ở 11 xã có nguy cơ cháy trong mùa khô năm nay. Ngoài những nguyên nhân tương tự các địa phương khác trong tỉnh, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng tại địa phương này còn đến từ các lò hầm than trái phép trong rừng. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng truy quét, xử lý hàng chục lò than hoạt động trái phép tại các xã: Ninh Ích, Ninh Tân, Ninh Sơn, Ninh Tây. Ngoài ra, việc phá rừng, đốt dọn đất rừng lấn chiếm đang diễn ra nhức nhối tại xã Ninh Tây cũng khiến hàng trăm héc-ta rừng căm xe tự nhiên tại đây đứng trước nguy cơ cháy cao.
 
Tập trung phòng cháy 
 
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 50.000ha rừng, đất rừng có nguy cơ cháy cao. Liên tục trong tháng 2, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đã làm việc, chỉ đạo cụ thể đối với hạt kiểm lâm tất cả các địa phương trong tỉnh về việc chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, nhất là trong giai đoạn cao điểm từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm nay; đặc biệt công tác phòng cháy phải đặt lên hàng đầu. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các hạt kiểm lâm địa phương phải tham mưu hiệu quả cho chính quyền về công tác PCCCR. Trong suốt mùa khô, phải phân công trực chỉ huy, trực báo cháy nghiêm túc; đặc biệt quan tâm theo dõi các khu vực rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao đã được xác định; sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra kỹ phương án PCCCR của các chủ rừng trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa…
 
Nhiều địa phương như: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa, Vạn Ninh… đã triển khai song song nhiệm vụ bảo vệ rừng và PCCCR. Hạt kiểm lâm các địa phương đã tham mưu UBND cấp huyện xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR, củng cố đội liên ngành PCCCR cấp huyện; kiểm tra dụng cụ, phương tiện PCCCR; tập trung tuyên truyền, vận động người dân sinh sống gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, đơn vị chủ rừng nhà nước và chủ rừng tập thể, cá nhân ngoài nhà nước.
 
Hiện nay, các đơn vị như: Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa… tiếp tục thuê nhân công vệ sinh rừng để giảm thiểu nguồn vật liệu cháy, thi công đường ranh cản lửa, mua sắm thêm trang thiết bị, dụng cụ phòng cháy. Đồng thời, yêu cầu nhân viên quản lý bảo vệ rừng chuyên trách trực 100%, tổ chức các chòi canh lửa, hợp đồng thêm nhân lực để canh coi lửa rừng tại các khu vực trọng điểm… 
 
HẢI LĂNG