09:12, 23/12/2019

Cam Lâm: Đẩy mạnh truyền thông dân số qua mạng xã hội

Thời gian qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình  huyện Cam Lâm đã có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao chất lượng DS. 
 

Thời gian qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Cam Lâm đã có nhiều cách làm sáng tạo trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao chất lượng DS. 
 
 
Hướng dẫn người dân cách tiếp cận các thông tin qua mạng xã hội.
Hướng dẫn người dân cách tiếp cận các thông tin qua mạng xã hội.
 
Tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả
 
Bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa DS, Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm cho biết, bên cạnh việc phát huy thế mạnh của các cơ quan truyền thông đại chúng, ngành Y tế đã quan tâm mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn về DS và phát triển qua Internet, các trang web, trang tin điện tử, mạng xã hội. Cùng với đó, sản xuất các sản phẩm truyền thông về DS và phát triển để phục vụ truyền thông trực tiếp và cung cấp cho nhóm đối tượng đích, nhóm đối tượng có tác động mạnh đến sự chuyển đổi hành vi; chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp trong sản phẩm truyền thông dành cho nhóm DS đặc thù, khó tiếp cận và các vùng khó khăn. 
 
Chị Phan Thị Bích Thủy (thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc) cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 con gái. Trước đây, gia đình cũng có ý định sinh thêm con trai nhưng qua thời gian được các cán bộ DS xã đến tư vấn tại nhà và thường xuyên nhắn tin qua zalo chia sẻ về những khó khăn khi sinh con thứ 3 nên vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa. Ngoài ra, thông qua cách tuyên truyền nhóm trên mạng xã hội, tôi tiếp cận được những thông tin về các biện pháp tránh thai hiện đại, không còn cảm thấy e dè như cách phổ biến truyền thống”.
 
Bà Bùi Thị Huệ - chuyên trách DS xã Cam Thanh Bắc cho biết, triển khai từ đầu năm 2019, đến nay, nhờ thông qua hình thức truyền thông trên facebook, zalo đã góp phần tiết kiệm được thời gian của các cộng tác viên DS, tiếp cận nhanh chóng với người dân. Bình quân mỗi tháng, có hơn 100 người nhắn tin nhờ tư vấn. 
 
Vẫn còn khó khăn
 
Bên cạnh những mặt đổi mới tích cực, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng không bền vững và có chiều hướng tăng trở lại nếu không được kiểm soát kịp thời. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao, tính đến tháng 11-2018, tỷ lệ này của huyện là 112 bé trai/100 bé gái; kiểm soát quy mô DS chưa bền vững. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông cộng đồng. Các chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác DS cơ sở còn nhiều bất cập; công tác xử lý các trường hợp vi phạm chính sách DS-KHHGĐ chưa đủ răn đe. Việc thực hiện các quy ước, hương ước thôn bản chưa được triển khai mạnh mẽ, nhiều địa phương có đưa nội dung KHHGĐ vào hương ước, quy ước thôn bản nhưng khi cần xử lý lại không nghiêm khắc theo đúng quy ước, hương ước đã đề ra.
 
Theo bà Liễu, để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, không chỉ ngành Y tế mà các cấp, ngành, địa phương cần vận động nhân dân thực hiện mục tiêu “dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” ở các khu vực, địa phương có mức sinh cao; đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận lợi với chất lượng ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp cho từng nhóm đối tượng; thiết lập, từng bước mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn và kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên trên cơ sở mạng lưới hiện có... Cùng với “cơ cấu DS vàng”, việc quan tâm nâng cao chất lượng DS, tạo nguồn nhân lực dồi dào là cơ hội lý tưởng để nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện phát triển, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.
 
THANH TRÚC