11:11, 10/11/2019

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu

UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao kết quả đề tài "Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến đa dạng sinh học và sinh kế tỉnh Khánh Hòa và kế hoạch ứng phó" cho các sở, ngành, địa phương liên quan để sử dụng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) bàn giao kết quả đề tài “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đến đa dạng sinh học và sinh kế tỉnh Khánh Hòa và kế hoạch ứng phó” cho các sở, ngành, địa phương liên quan để sử dụng, ứng phó với BĐKH và nước biển dâng.


Sự cần thiết để nghiên cứu


Theo ông Lê Xuân Thái - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, trước đây, Khánh Hòa được nhận định là vùng ít gió bão, các trận bão dự đoán sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa thường chệch hướng vào Nam hay tan ngay khi vào đất liền. Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơn bão đổ bộ vào Khánh Hòa tăng lên. Cơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh, làm 44 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại hơn 14.700 tỷ đồng. Bão số 8 và số 9 (năm 2018) gây lũ lụt khủng khiếp, làm 20 người chết, 33 người bị thương, thiệt hại 1.240 tỷ đồng. Theo thống kê của Cơ quan Khí tượng thủy văn, từ năm 1951 đến 2018, đã có 39 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến vùng biển Khánh Hòa.

 

Rừng ngập mặn tại đầm Thủy Triều.

Rừng ngập mặn tại đầm Thủy Triều.


Với tình hình đó, UBND tỉnh đã cho phép thực hiện đề tài “Đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến đa dạng sinh học vùng biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa; đánh giá ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển và đề xuất kế hoạch thích ứng, ứng phó BĐKH và nước biển dâng”. Đề tài được Sở TN-MT phối hợp với Trung tâm Động lực học thủy khí môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện từ cuối năm 2015 và được nghiệm thu tháng 12-2018.


Để thực hiện đề tài, các chuyên gia của Trung tâm Động lực học thủy khí môi trường đã sử dụng nhiều biện pháp và công cụ để đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đến khí hậu, ngập lụt cũng như các yếu tố môi trường ở Khánh Hòa như: Kịch bản về BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN-MT; bộ dữ liệu về khí tượng thủy văn, hải văn và các yếu tố môi trường; thiết lập mô hình toán thủy động lực ven biển tỉnh Khánh Hòa mô phỏng trường dòng chảy, sóng, mực nước và các yếu tố môi trường nước trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; mô phỏng chế độ sóng và dòng chảy khu vực tỉnh Khánh Hòa bằng bộ phần mềm DHI Software - MIKE 21...). Dự án lập 1 trạm đo cố định tại khu vực vịnh Vân Phong để quan trắc các yếu tố: Sóng, dòng chảy, mực nước, độ đục, độ mặn, gió và đo đạc 16 tuyến mặt cắt địa hình vuông góc bờ (mỗi mặt cắt dài khoảng 6 hải lý).


Đề xuất các giải pháp


Kết quả, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ TN-MT, nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 1,49% diện tích của tỉnh có nguy cơ bị ngập, trong đó TP. Cam Ranh 4,27%, huyện Vạn Ninh 3,59% diện tích có nguy cơ ngập cao. Hiện tượng BĐKH và nước biển dâng có những tác động rõ rệt đến tỉnh, cụ thể như: ngập lụt do gia tăng lượng mưa thượng lưu và nước biển dâng, mất đất do BĐKH và nước biển dâng do các hiện tượng thời tiết dị thường, xói lở, bồi tụ khu vực ven biển và sóng tác động đến các công trình. Dưới ảnh hưởng của nước biển dâng theo các kịch bản BĐKH, độ cao sóng trung bình các khu vực này tăng từ 0,5 đến 1m so với hiện tại.


Theo ông Hoàng Anh Hào - Trưởng phòng Nước và BĐKH, Sở TN-MT, đề tài đề xuất các giải pháp nhằm quản lý ứng phó, tăng khả năng thích ứng với BĐKH và nước biển dâng của các hệ sinh thái biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa như: Xác định và bảo vệ các khu vực rừng ngập mặn trọng yếu, có vị trí chiến lược trong đối phó với BĐKH và nước biển dâng của Khánh Hòa, đặc biệt chú ý tới các dải rừng ngập mặn gần sát bờ, nơi dễ bị tiếp cận và chịu tác động bởi người dân. Đề tài cũng đề xuất giải pháp thích ứng, ứng phó đối với sinh kế của các cộng đồng dân cư ven biển như: Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường năng lực tưới tiêu để các địa phương có thể chủ động về nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi kỹ thuật sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân bị tác động tiêu cực bởi BĐKH và nước biển dâng...


Theo lãnh đạo Sở TN-MT, từ kết quả đề tài, sở đã tham mưu xây dựng Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH tỉnh Khánh Hòa và đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Kinh phí xây dựng đề cương chương trình là 1 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 700 triệu đồng. Nằm trong chương trình này có 2 dự án đang triển khai là Dự án xây dựng đập ngăn mặn sông Cái (Nha Trang) với tổng mức đầu tư 759,5 tỷ đồng, được giao cho Ban Quản lý Dự án Phát triển tỉnh làm chủ đầu tư và Dự án trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn TP. Nha Trang, tổng diện tích hơn 61ha, giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn triển khai. Hiện nay, Trang thông tin điện tử của Sở TN-MT đã công bố tóm tắt kết quả đề tài để phục vụ các tổ chức, cá nhân tham khảo.


V.L