03:07, 13/07/2022

Cái võng của nội

Góc nhà có chiếc võng màu xanh rêu đã bạc màu. Sáng nào khi mẹ gọi dậy, cu Tũn cũng sà xuống nằm rán chừng vài phút. Mẹ hối lần hai nó mới đứng lên đi đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng. Lúc chờ ba dắt xe ra cổng chở đến lớp, nó lại ghé xuống ngả ngớn trong võng. Cứ như ở đó có cái gì hút nó xuống vậy.

Góc nhà có chiếc võng màu xanh rêu đã bạc màu. Sáng nào khi mẹ gọi dậy, cu Tũn cũng sà xuống nằm rán chừng vài phút. Mẹ hối lần hai nó mới đứng lên đi đánh răng rửa mặt rồi ăn sáng. Lúc chờ ba dắt xe ra cổng chở đến lớp, nó lại ghé xuống ngả ngớn trong võng. Cứ như ở đó có cái gì hút nó xuống vậy.


Cái võng này là nội nó mang về sau bao nhiêu năm là bộ đội. Ba Tũn mua cho nội cái ghế mát xa, ngồi trong đó máy sẽ xoa bóp các khớp xương. Nội ngồi đâu vài lần rồi lại chuyển sang ngồi võng. Nội nói nằm võng thoáng hơn và “thấy quen hơn”. Vài năm gần đây nội rất hay kể chuyện một mình. Nhiều lần Tũn nghe thấy tiếng nội rì rầm kể chuyện, có lúc lại khẽ cười. Nó ngó ra mới thấy nội ngồi một mình trên võng. Nội khẽ đu đưa và đang nói chuyện với người vô hình nào đó. Hôm nay chủ nhật, ba mẹ đi đám cưới họ hàng ở huyện xa nên chỉ có Tũn ở nhà cùng nội. Khi ba mẹ vừa ra khỏi cổng là Tũn chạy ngay vô buồng. Nội đang nằm trên võng, mắt nheo nheo nhìn luồng ánh nắng xuyên qua lớp lá cây màu xanh ngoài cửa sổ. Nghe tiếng chân chạy lịch bịch của Tũn, nội đưa tay ngoắc ra dấu kêu nó lại gần. Tũn đang định hỏi thì nội đưa một ngón tay lên ngang miệng, ra dấu im lặng. Tũn tò mò, nhưng cũng không dám hỏi mà rón rén bước chân, lặng lẽ đến bên nội. Nội khẽ choàng tay ôm qua vai nó khi nó cúi xuống bên võng. Nó khẽ lấy tay sờ vào chòm râu bạc của nội rồi hỏi:


- Khi hồi nội nói chuyện với ai á?


- Nội nói chuyện với ông Dũng đó!


- Ông Dũng? Con có thấy ai đâu? Tũn mở lớn đôi mắt và nhìn nội ngạc nhiên


- Ông Dũng là bạn cùng đơn vị với ông. Con không nhìn thấy ổng đâu. Chỉ có nội thấy thôi. Ngày đó các ông cùng đơn vị. Trong tiểu đội ông Dũng nhỏ tuổi nhất người Thái Bình. Trong tiểu đội toàn các chú lớn tuổi, nên ông và ông ấy thân nhau lắm. Trong một trận đánh, đơn vị ông toàn người mới vào trận nên bị thương khá nhiều, trong đó có ông Dũng. Đúng ra hôm đó đến phiên ông Dũng nghỉ, còn ông phải trực gác, nhưng vì ông đau bụng nên ông Dũng nói ông nghỉ để ông ấy gác thay. Vậy là khi đang nằm trong hang sâu, ông nghe bom nổ dữ lắm. Ông vừa chạy ra đến cửa hang thì bom nổ tiếp, hất ông văng lên cao và rơi xuống lùm cây gần suối. Ông ngất đi. Sau có đơn vị đến chi viện và ông được đưa về tuyến sau chữa bệnh… Ông dừng lại và xoa lên vết sẹo trên gò má trái. Tũn cũng lấy tay ôm mặt ông. Nó nhìn sâu vào mắt ông và khẽ nói:


- Khi đó chắc nội đau lắm ha nội? Còn ông Dũng… Ông Dũng đâu ạ?


- Lúc ông mới tỉnh, đầu óc mơ hồ lắm. Tay chân không cục cựa được. Mặt thì băng gần kín hết, trong đầu ông nghĩ đến ông Dũng, đến mọi người trong tiểu đội, nhưng không cất tiếng nói được. Có một ai đó ghé tai ông nói mà ông nghe không rõ vì tai bị ù. Rồi ông ngất tiếp và mọi người đưa ông về trạm quân y. Ở đó sau gần một tuần ông mới tỉnh lại và tháo băng trên đầu. Khi đó mới biết ông Dũng đã hi sinh. Chỉ còn lại chiếc võng của ông ấy. Nó đây…


Ông nghẹn lời, và đưa tay sờ vào một góc, nơi có miếng vá lại bằng miếng vải khác. Tũn cũng đưa tay sờ vào đó. Miếng vá có những đường chỉ khâu đã cũ nên đã bung ra. Tũn mân mê miếng vá. Vầng trán non nớt lấm tấm mồ hôi.


- Khi ông ở trạm quân y đó, có một cô y sĩ đã khâu giùm ông chỗ rách do mảnh bom văng trúng đó. Con biết cô đó là ai không?


- Ai hả nội? Con không biết.


Nội nó hơi cười, kéo nó lên võng:


- Là bà nội con chứ ai!


- Oa! Thế là con biết rồi. Hèn chi con thấy mỗi lần ông đau, bà nội luôn lấy thuốc thì nội mới chịu uống, có hôm bà còn chọc quê ông là “đồng chí”.


Tũn cười khoái chí vì phát hiện của mình. Nội nó cũng cười. Nét mặt tươi hẳn lên, nội nói:


Ừ, bà nội con giỏi lắm đó. Vì bà giỏi nên ông mới sợ và phục chứ sao.


Hai ông cháu cười hỉ hả. Nắng sớm chan hòa, gió reo trên tán cây lộc vừng đang buông những chùm hoa đỏ chót ngoài sân.


Hai ông cháu ăn cơm chưa mà cười vui vậy?


Có tiếng người hỏi ngoài cổng vọng vào. Thì ra chú bưu tá xã. Chú bước vào sân, chào ông nôi và hồ hởi:


Ông có thư bảo đảm gửi ạ.


Tũn tò mò nhìn nội nhận phong bì và nheo nheo mắt nhìn dòng chữ ghi bên ngoài. Chú bưu tá nhanh nhẹn:


- Ông để con đọc giùm cho.


Và chú vừa gỡ lá thư bên trong vừa đọc: “Người gửi: Cháu Trung em anh Dũng ở Thái Bình. Anh ơi! Em và gia đình cám ơn anh đã gửi quà cho gia đình em. Đang mùa lũ nên em chưa vào thăm gia đình mình được. Khi nào vãn vãn việc em sẽ vào thăm anh ạ…”


Và chú cẩn thận gấp lại lá thư đưa cho nội, giọng khâm phục:


- Chắc đây là thân nhân người đồng đội cũ của ông. Ông thật chu đáo. Con khâm phục nghĩa tình của các ông- những người lính năm xưa với nhau.


Tũn thấy tay nội run run cầm và cất lá thư vào túi áo. Mắt nội đỏ lên và nội nói khẽ:


- Ừ, những năm tháng cùng những đồng đội ngày ấy làm sao quên được hả cháu. Đồng đội đã nhường cho ông cuộc sống này mà.


Tũn nghếch mặt nhìn chú bưu tá đang nắm chặt tay ông nội. Mắt chú cũng rung rung. Nó tự nhiên cũng thấy cay cay nơi mắt, giống như lần bà nội mất và cả nhà cùng khóc vậy.


Ông ơi!


Có tiếng phụ nữ gọi ngoài cổng. Chú bưu tá buông tay ông nội Tũn ra và xốc lại cặp đeo bên người:


Ông có khách kìa. Con đi phát thư báo tiếp đây. Ông giữ gìn sức khỏe ạ.


Chú bưu tá vừa bước ra cổng thì người khách mới bước vào. Đó là cô Chi, nhà ở trong xóm. Cô hay đi mua nhôm nhựa, giấy báo cũ để bán cho ngoài vựa lớn ven đường. Cô hay giúp mọi người dọn dẹp nên nội hay nhắc mẹ Tũn gom vỏ lon, giấy loại…gọn lại cho cô. “Người ta tội thì mình giúp họ con ạ” Ông hay nói vậy và Tũn nghe đã quen. Nó cũng hay gom sách báo cũ để cho cô.


- Chị Chi hả? Có một ít đồ trong góc sân sau. Tũn dẫn cô đi lấy đi con. Ông nội quay lưng đi vô phòng khách. Chắc ông cất lá thư kia. Cô Chi đi theo Tũn. Ngang qua cái võng, cô hơi cúi xuống và nói lớn:


- Cái võng này cũ quá rồi. Vải mục rồi này. Coi chừng có bữa nó bục ra thì nguy. Hay ông để con gỡ đi, bữa sau con biếu ông cái khác nha ông.


Cô nói rổn rảng. Tũn dừng lại, nó chưa kịp nói cho cô Chi biết đây là cái võng quý của ông nội như nào. Nội nó đi từ trong nhà ra, từ tốn:


- Cái võng này coi bộ vậy chứ còn tốt lắm đó. Hơn nữa nó là kỉ niệm của người đồng đội đã hi sinh để lại đó cô.


- Ôi, con không biết. Thế thì đúng là phải giữ lại ạ. Ông tha lỗi cho con.


Tũn thấy ông nội cười hiền:


- Không sao. Không biết thì giờ cô biết rồi. Mà nói vậy chứ nó cũng hơi cũ thật. Chắc phải gấp để lại cho được lâu bền, không đem ra ngồi nữa.


Ông lại cười. Tũn chạy lại ôm ngang người ông. Ông cúi xuống ôm nó vào lòng. Nắng ấm bao trùm cả hai ông cháu.


. Truyện ngắn của Bích Thiêm