10:06, 15/06/2021

Những ngày hè thương nhớ

Tôi nhớ ngày xưa, khi mới học xong tiểu học, tôi đã có những ngày hè thật tuyệt vời. Hồi đó, nhà tôi ở một thị trấn, khi mùa hè đến, ba mẹ thường cho tôi về sống ở một làng quê cùng ông bà nội và gia đình chú Tư, em ruột của ba tôi.

Tôi nhớ ngày xưa, khi mới học xong tiểu học, tôi đã có những ngày hè thật tuyệt vời. Hồi đó, nhà tôi ở một thị trấn, khi mùa hè đến, ba mẹ thường cho tôi về sống ở một làng quê cùng ông bà nội và gia đình chú Tư, em ruột của ba tôi.

 

Ảnh: G.C

Ảnh: G.C


Nhà của nội tôi ngày ấy nằm trong một khu vườn đầy cây xanh. Cuối vườn, nơi giáp với cánh đồng rộng là những bờ tre chạy dài. Đó là một thế giới tuyệt vời - một thế giới mà nếu chỉ sống ở thành phố hay thị trấn, khi nghe kể, ta không thể nào hình dung được hết. Thú vị biết bao, vào buổi sáng thức dậy, khi chưa bước chân xuống giường, ta đã nghe ngoài kia, trên ngọn cao của cây xoài, bụi tre, tiếng mấy con chim chèo bẻo cất lên lảnh lót. Rồi tiếp theo đó, trong vườn xuất hiện tiếng ríu rít của bao loài chim khác như chào mào, chìa vôi, chích chòe, họa mi, cà cưỡng… Mỗi loài một giọng, không rõ chúng hót để chào nhau hay bày tỏ niềm vui để chào mừng ngày mới. Hoa, trái ở làng quê cũng nhiều. Tôi đã cùng những đứa trẻ trong làng đi dạo trên các ngọn đồi đầy cây sim, cây mua và tất cả đang vào mùa nở đầy hoa trái? Thật thú vị khi ta nhướn người, với tay hái trái dúi bằng đầu ngón tay, chín mọng có màu vàng óng, thổi nhẹ, bỏ vào miệng nhai từ từ, nghe ngọt lịm cùng mùi thơm rất lạ lùng. Còn hoa, loại  mọc bên bờ ruộng, loại mọc bên triền đồi, đủ màu. Nhờ về sống ở làng quê tôi mới biết rau tàu bay nở bông đỏ, rau lang nở bông tím, dây bầu cho bông trắng, dây mướp nở hoa vàng… Nhờ về quê, tôi tận mắt thấy được nhiều con vật rất lạ như con hến dưới sông, con ong bầu làm tổ trong ống tre khô. Có con vật làm tôi nhớ hoài, đó là con sóc lông xám, đuôi rất dài. Con sóc này hay đến ăn khế trong vườn. Một lần chú tôi làm cái bẫy lồng bằng thép, bỏ vào một lát thơm chín. Sóc vốn thích ăn thơm nên đã vào lồng và bị sập. Chú tôi giữ lại con sóc trong lồng để nuôi cho vui, ai ngờ một năm, khi thả ra, con sóc tung tăng chạy đi khắp nơi, rồi thỉnh thoảng lại quay về, chui vào lồng nằm nghỉ, cứ như đó là cái tổ bình yên của mình…


Nhà chú Tư nằm cách nhà ông nội một hóc ruộng và con đường nối qua chỉ là cái bờ nhỏ. Hai đứa con của chú thím Tư là thằng Bình và bé Thúy rất quý tôi. Nhiều hôm cho trâu ra đồng, Bình đã cho tôi cưỡi lên lưng trâu. Thật thú vị khi được ngồi trên lưng trâu, hát hò giữa cánh đồng gió chiều lồng lộng. Khi trâu đã no, chúng tôi thả chúng đâu đó trên mấy ngọn đồi rồi chơi trò đuổi bắt. Vui làm sao, có lần cho trâu ăn ngoài đồng, phát hiện những củ khoai lang người ta thu hoạch còn sót lại, đang lên mầm, thế là cả đám xúm lại đào bới, rồi lấy cỏ khô, rơm khô chất lên và nướng. Khoai lang nướng khi chín tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, và cứ thế chúng tôi chia nhau, ngồi trên bờ cỏ, ăn đến no bụng. Còn nữa, khi mặt trời sắp lặn, cả bọn cho cả đàn trâu ra con suối sâu gần đó để tắm. Lũ trẻ chúng tôi, đứa bơi, đứa lặn… rồi tạt nước vào nhau, tiếng cười đùa vang lên cả đoạn suối về chiều…


Ngày hè về quê sẽ thấy bao điều lý thú. Mọi thứ sẽ rất mới lạ nếu bạn từ thành phố về. Với tôi ngày ấy, không chỉ vui mà qua đó được hiểu biết bao điều.  


Ở khu phố tôi đang sống bây giờ có cậu bé tên Tâm năm nay 11 tuổi, thông minh, học giỏi. Vì nhà ở gần nhau nên cậu bé hay sang nhà tôi mượn sách để đọc. Chiều hôm qua, gặp bé Tâm đứng trước cửa, vẻ mặt buồn thiu, tôi hỏi:


- Này chú nhóc! Nghỉ hè rồi thích quá phải không? Ba mẹ có cho cháu đi chơi ở đâu không?


Cậu bé lưỡng lự nhìn tôi rồi hỏi:


- Bác ơi! Ba má định hè này cho cháu về quê với ông bà nội mấy tháng. Cháu sợ sống ở quê sẽ buồn…


- Sao lại buồn? Sao có thể buồn được! - Tôi xoa đầu cậu bé rồi kể đôi chuyện vắn tắt về những mùa hè năm xưa mình từng trải qua.


- Thật vậy hả bác! Cậu bé mở to đôi mắt rồi nhìn tôi mừng rỡ - Vậy cháu sẽ xin ba má để được đi!


Bạn đã bao giờ được sống những ngày hè ở một vùng quê? Với tôi, đó là những ngày đầy thương nhớ!


Hoàng Anh