22:25, 19/01/2024

Mới xế chiều đã xách đòn ngồi đi đặt chỗ

LÊ QUỐC SINH

Tháng 7-1984, buổi trưa hôm đó, khi tôi đang chơi bắn bi trong sân trường thì chị Ba đến gọi lại cho hay có giấy triệu tập tôi lên huyện ăn ở nội trú và học lớp chọn học sinh giỏi. Cậu bé mười tuổi là tôi lúc ấy không lo nghĩ gì cả, mà chỉ tiếc một nỗi là mấy ngày sau đó không còn được ở nhà để được mấy chị dẫn đi coi cải lương. Đoàn cải lương Sông Hậu đã dán giấy rao với treo băng rôn hình ảnh đào kép, hai hôm nữa đoàn sẽ về.

 

Trường Phổ thông cơ sở cấp 1, 2 Ninh Diêm nằm chếch bên kia con đường chính với trụ sở UBND xã. Vào những mùa hè, mỗi khi có gánh hát về diễn, thường các phòng học sẽ là chỗ ở cho đoàn. Sân khấu và sân bãi liền kề ngay phía sau lưng UBND xã, tới giờ sáng đèn, thầy thợ, nhạc công, ca nhân... chỉ cần bước qua đường chục mét, rất tiện. Trường lại khá gần chợ Phú Thọ, sáng sáng các cô đào có khi rảo qua ăn vặt hay mua sắm gì đó, bà con được dịp xì xồ, í ới, dòm ngó, xôn xao...

Thập niên 80 và những năm đầu của thập niên 90, bên cạnh những buổi tối cán bộ thông tin văn hóa ở huyện về chiếu phim màn ảnh rộng ở sân bãi của xã thì những đêm các đoàn ca nhạc, cải lương chủ yếu từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ hoặc Sài Gòn ra biểu diễn chính là món ăn văn hóa ngon nhứt của người dân vùng Hòn Khói quê tôi. Thời đó là thời của ti vi đen trắng, mở lên nghe tiếng phát thanh viên cứ hay bị nhòa trong tiếng sóng truyền hình lúc được lúc mất nghe phù phù, xem phim nào cũng được trộn một bầu trời đầy “sao”. Cho nên những đêm được mua vé vào sân bãi nằm phía sau UBND xã xem phim chiếu trên màn ảnh rộng thành ra giống như những đêm thiên đường, nhất là đối với tụi trẻ con như tôi. Và mỗi khi có gánh hát từ phương nam ra diễn hàng mấy đêm liền thì thiên đường ấy còn dành cho tất cả mọi người già trẻ lớn bé, gái trai, dân thường cho đến cán bộ, trí thức...

Xã Ninh Diêm nằm vị trí trung tâm của cả khu vực Hòn Khói, bởi thế các đoàn ca nhạc, gánh hát thường hay chọn đóng quân tại sân bãi Ninh Diêm. Và cũng bởi thế mà mỗi khi có đoàn lớn về cùng với những tên tuổi nghệ sĩ nổi đình nổi đám thì những ngày đó sẽ náo động hết cả một vùng Hòn Khói. Đoàn vừa về tới là ngay sáng, trưa đó đã có xe phát loa chạy từ Ninh Diêm lên Ninh Hải, ra Ninh Thủy, xuống tận Ninh Phước rao. Xe rao quảng cáo thường đi chậm rãi, bọn trẻ con chạy theo sau xe hò reo ầm ĩ, vui nhộn. Người lớn những nhà hai bên đường cũng rủ nhau ra ngõ nhìn, dõi mắt, lắng nghe, thích thú. Rạo rực lắm luôn.

Một cảnh trong vở  Đời cô Lựu.
Một cảnh trong vở "Đời cô Lựu".

Tôi nhớ những lần đoàn cải lương có Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Tấn Tài, Minh Vương, Thanh Sang hay có Út Bạch Lan, Thoại Miêu, Trọng Hữu, Thanh Nam... về thì tin ấy râm ran rồi xôn xao trước cả tuần. Rồi chính thức đoàn ra đến nơi thật thì cả vùng quê như có hội. Ở chợ người ta nói với nhau về các đào kép mà họ ngưỡng mộ giọng ca bấy lâu giờ sắp được tận mắt thấy và nghe. Ở ngoài đồng cũng vậy, ở quán nước cũng vậy. Mấy chị tôi tranh thủ học bài, làm việc nhà để mong ngóng đến chiều tối. Mới đứng xế, khi tôi vừa ngủ trưa dậy đã nghe những tiếng chân ở trước đường. Chao ôi, mới giờ này người ta đã dắt nhau lũ lượt đi xem hát, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, họ đi sớm để mua vé vào sân bãi thật sớm, vì lo sợ nếu đi trễ sẽ không còn vé, không còn chỗ ngồi. Họ mang theo đòn ngồi, nước uống, đồ ăn và sẽ ngồi tại sân bãi chờ cho đến khi chiều về, tối xuống, đèn lên, sân khấu mở màn...

Những đợt ấy, chị Hai tôi vốn ít khi nào ra đường nhưng nghe cháu tôi xúi dữ quá cũng đi coi một lần cho biết. Chị Ba tôi là giáo viên, vốn ngại chốn tụ tập đông đảo, vậy mà cũng tháp tùng với mấy chị trẻ của tôi luôn. Tụi học trò thấy chị Ba tôi đi coi hát tỏ vẻ ngạc nhiên: “Dạ chào cô!” rồi ù chạy lẩn mất trong sân bãi đông nghịt người. Trong đoàn khán giả của xóm tôi dắt nhau đi coi hát, có chị Bủng con cô Hai Hồng là người mê cải lương nhứt. Bủng có thể ngồi cả một buổi kể rành rọt tên từng nghệ sĩ cải lương danh tiếng từ trước cho tới lúc bấy giờ. Có bữa Bủng còn tóm lược gọn gàng, mạch lạc nội dung những vở cải lương nổi tiếng mà đứa nào đó yêu cầu, thậm chí hứng lên còn hát nhịp nhàng vài bản nhỏ xong cất một câu vọng cổ nghe mùi phết. Sau này, lên lớp 8, lớp 9 học ở huyện, mỗi cuối tuần về nhà, tôi đều qua nhà Bủng mượn những quyển tạp chí chuyên viết về sân khấu mà Bủng tuần nào, tháng nào cũng mua hay nhờ Bủng mở một băng cassette nghe một tuồng cải lương ưa thích.

Hồi đó, tôi luôn nồng nhiệt, hồ hởi chờ đợi, chào đón những gánh hát về quê mình. Cùng với tất cả những người dân trên quê hương, tôi mê vui với những đêm ấy, những năm tháng ấy một cách chân thành, hồn nhiên. Ai đi coi về, ngày hôm sau cũng khoái chí, nhắc đi nhắc lại về vai hề mà nghệ sĩ Thanh Nam thủ diễn. Xem những vở: Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga... ai cũng tỏ lòng cảm phục người xưa, tự hào về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Xem những vở: Lục Vân Tiên, Thoại Khanh - Châu Tuấn... ai cũng cảm nhận được về nhân nghĩa, hiếu thảo, thủy chung, sự hy sinh cao cả. Và ai cũng rơi lệ cảm thương cho những phận đời khổ bạc, duyên tình trắc trở khi ngồi xem: Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Bên cầu dệt lụa, Lá sầu riêng... 

Mãi sau này, tôi có tự hỏi vì sao người dân quê tôi một thời đó thích đi coi cải lương đến vậy. Không hẳn vì điều kiện phương tiện nghe nhìn giải trí thời điểm đó buộc người ta chỉ có ít lựa chọn. Làm gì có công nghệ số hóa như bây giờ để ngồi một chỗ nhấp một cái là ra hết bao nhiêu tuồng tích. Hẳn là thời đại nay với những năm tháng đó tuy có khác nhau về phương tiện nhưng cái hồn lõi của tình yêu nghệ thuật vẫn vậy? Người dân quê tôi cũng như mọi con người Việt Nam đều chân thành cay cay khóe mắt, chạnh lòng trước một vở cải lương sâu sắc tình đời, đều mê mẩn thổn thức trước một tiếng đàn kìm, một bài bản nhỏ. Coi một vở cải lương để được khóc, để tâm hồn được gột rửa, để ngày hôm sau thức dậy tự nhủ mình sống tốt hơn đẹp hơn với mọi người, với cuộc đời. Tôi nghĩ vậy.

Nhưng có lẽ hết cuộc đời tôi vẫn sẽ còn nhớ mãi những đêm khuya sau giờ sân khấu kéo màn mọi người lần lượt rời sân bãi ra về. Chia nhau trên nhiều ngả, nhiều con đường để đi về Thủy Đầm, Mỹ Giang, về Bình Sơn, Chánh Thanh, về Bình Tây, Đông Cát, Đông Hải, Đông Hòa... Họ đi trong dư ba của âm thanh, ánh sáng, lời ca, nước mắt, nụ cười, những dáng hình, những ẩn nghĩa... Nhiều lần tôi thích bước chậm lại, cố tình bước chậm lại để trở thành người đi về cuối cùng trên con đường. Có khi đó là một đêm đã qua rằm tháng Chạp, giáp Tết, cuối năm trời càng về khuya gió càng vây vây lạnh. Tôi nhìn theo những dáng người khuất dần, khuất dần, rồi lặng hẳn.

Lúc ấy chỉ còn trăng giữa trời sáng ngần, mềm mại trải dài mênh mang như một câu vọng cổ nao nao lòng...

LÊ QUỐC SINH