23:28, 15/05/2023

Khoảng trống của điền kinh Khánh Hòa

THÀNH NGUYỄN

Xem SEA Games 32 diễn ra trên đất Campuchia, người Việt Nam ai cũng vui mừng vì thể thao nước nhà đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Trong thành tích chung của thể thao Việt Nam, có sự đóng góp không nhỏ của các vận động viên (VĐV) điền kinh, nhất là sự nỗ lực của những cô gái vàng, như: Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền… Trong sự vui mừng, tự hào về sự thành công của thể thao Việt Nam, có một chút gì đó chạnh lòng khi nghĩ đến thể thao Khánh Hòa nói chung và điền kinh Khánh Hòa nói riêng.

Vận động viên Trần Nhật Hoàng (bên phải) cùng đồng đội ăn mừng huy chương vàng nội dung 4 x 400m nam - nữ phối hợp tại SEA Games 32. Ảnh: VNE

Chạnh lòng vì trong quá khứ, những năm cuối thế kỷ XX và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thể thao Khánh Hòa đóng góp rất nhiều VĐV tài năng cho thể thao Việt Nam ở đấu trường SEA Games, nhất là ở bộ môn điền kinh. Còn nhớ tại SEA Games 20 năm 1999, nữ VĐV Phạm Đình Khánh Đoan giành huy chương vàng (HCV) cự ly 800m và huy chương bạc cự ly 1.500m. Hai năm sau, ở SEA Games 21 trên đất Malaysia, chân chạy người Khánh Hòa tiếp tục thi đấu thăng hoa để đoạt 2 HCV ở các cự ly 800m và 1.500m. Sự thành công của cô gái xứ Trầm Hương đã tạo niềm tin để thể thao Việt Nam đầu tư cho điền kinh nữ, để rồi gần như thống trị các cự ly chạy trung bình ở các kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Cũng ở kỳ SEA Game 21, Khánh Hòa còn có nữ VĐV Phan Thu Lan giành HCV nhảy xa. 

Đến năm 2003, khi SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, dù không còn ở đỉnh cao phong độ, Khánh Đoan vẫn tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc khi giành 2 huy chương bạc ở các cự ly sở trường 800m và 1.500m. Cũng ở kỳ đại hội này, VĐV Đoàn Nữ Trúc Vân của Khánh Hòa đã xuất sắc vượt qua chân chạy lừng danh Supriati Sutono (Indonesia) - người nhiều năm thống trị đường chạy 10.000m ở khu vực Đông Nam Á để giành HCV. Còn nhớ, chiến công của cô bé hạt tiêu (cao 1,52m) quê ở xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa) năm ấy đã được báo chí trong nước và quốc tế ngợi ca hết lời, bởi đối thủ Supriati Sutono không chỉ là gương mặt xuất sắc của Đông Nam Á, mà còn từng giành HCV giải điền kinh châu Á năm 2000. 

Trở lại với SEA Games 32, cho đến lúc này, ở nội dung điền kinh, Khánh Hòa chỉ có Trần Nhật Hoàng giành HCV nội dung 4 x 400m tiếp sức hỗn hợp (cùng thi đấu với các VĐV Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn và Nguyễn Thị Huyền). Về cá nhân, Nhật Hoàng đã có sự cải thiện hơn so với SEA Games 31 (không giành được huy chương) nhưng vẫn còn thua xa so với kỳ SEA Games 30 năm 2019 ở Philippines. Còn nhớ, khi ấy Trần Nhật Hoàng lần đầu ra mắt ở đấu trường Đông Nam Á đã giành đến 3 HCV (400m nam, hai cự ly tiếp sức 4 x 400m nam và 4 x 400m nam - nữ). 

 Dẫu biết chuyện thắng thua trong thể thao là bình thường; chuyện phát hiện, đào tạo nên những VĐV xuất sắc còn có những cơ duyên giống như người nông dân trên cùng một mảnh đất, với một loại lúa giống, cùng phương pháp canh tác nhưng có năm được mùa, có năm thất bát. Thế nhưng, việc thể thao Khánh Hòa nói chung và điền kinh nói riêng ngày càng ít có VĐV giành giải thưởng ở các giải đấu quốc tế là điều đáng suy nghĩ. Rõ ràng, một mình Trần Nhật Hoàng không cáng đáng được hết khi đem so với bề dày thành tích các thế hệ trước để lại và với vị thế Khánh Hòa - một trong những cái nôi đào tạo VĐV điền kinh hàng đầu của Việt Nam. Vì đâu Khánh Hòa ngày càng ít những VĐV điền kinh xuất sắc? Có phải người Khánh Hòa hôm nay đã hết đam mê điền kinh, không còn muốn theo con đường thể thao chuyên nghiệp đầy khắc nghiệt? Hay vì chế độ đãi ngộ cho huấn luyện viên và VĐV, điều kiện tập luyện của thể thao Khánh Hòa đang ngày càng tụt hậu hơn so với các địa phương khác? Có lẽ chỉ những người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác nhất!

THÀNH NGUYỄN