18:30, 17/09/2023

Kết luận thanh tra được công khai thế nào?

Hỏi: Các cuộc thanh tra do cơ quan chức năng thực hiện, khi kết thúc và có kết luận thanh tra thì kết luận này được công khai thế nào để giúp người dân nắm bắt được tình hình, kết quả của hoạt động thanh tra?

Nguyễn Cao (TP. Cam Ranh)

Trả lời: Theo quy định của Luật Thanh tra và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra (nghị định có hiệu lực từ ngày 15-8-2023), kết luận thanh tra do thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ký ban hành được công khai chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký và được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Kết luận thanh tra được công khai bằng hình thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong ít nhất 15 ngày liên tục.

Ngoài việc đăng tải nói trên, việc công khai được người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức:

a) Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thông báo trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng: Trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 2 lần liên tục; trên báo điện tử ít nhất 15 ngày liên tục. Đối với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương; đối với cuộc thanh tra do thanh tra tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện tiến hành thì thông báo trên một phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương;

c) Niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Luật sư NGUYỄN THIỆN HÙNG