01:07, 19/07/2013

Cần xóa bỏ tâm lý “hàng chợ”

Với sức mua dồi dào, chợ truyền thống được coi là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn e ngại phát triển kênh phân phối tại đây vì sợ bị đánh đồng với những mặt hàng cấp thấp. Chính tâm lý đó là rào cản đối với thương hiệu Việt khi thâm nhập thị trường nội địa.

Với sức mua dồi dào, chợ truyền thống được coi là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp (DN) khai thác. Tuy nhiên, không ít DN vẫn e ngại phát triển kênh phân phối tại đây vì sợ bị đánh đồng với những mặt hàng cấp thấp. Chính tâm lý đó là rào cản đối với thương hiệu Việt khi thâm nhập thị trường nội địa.


Hàng Việt lép vế ở chợ


“Một trong những lý do khiến DN Việt e ngại khi đưa hàng vào chợ là điều kiện cơ sở vật chất ở các chợ còn thấp, chưa có gian hàng chuẩn, đúng quy cách để trưng bày hàng hóa nhằm thu hút người tiêu dùng” - đây là nhận định của bà Trần Thị Thu Hồng - nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Việt Pháp (kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao) khi thăm dò thị trường bán lẻ tại chợ. Còn theo đại diện một DN sản xuất hàng may mặc trên địa bàn tỉnh, lâu nay, DN này chỉ gia công hàng cho một số thương hiệu lớn hoặc bán trong siêu thị, vì bán ở chợ dễ bị nhầm lẫn với hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, đa số người dân đi chợ đặt yếu tố giá rẻ lên hàng đầu nên DN đưa hàng vào chợ sẽ phải đau đầu chuyện cạnh tranh với hàng của các công ty đa quốc gia và hàng nhập lậu.


Các tiểu thương cũng có lý do để từ chối kinh doanh hàng Việt. Bà Nguyễn Thị Tuyết - tiểu thương bán giày dép tại chợ Đầm (TP. Nha Trang) cho biết, hơn 90% lượng giày dép tại sạp của bà là hàng Trung Quốc vì mẫu mã đa dạng, giá rẻ, đặc biệt là hình thức thanh toán tiền theo kiểu gối đầu (ứng hàng trước, trả tiền sau). Khi nào cần hàng, chỉ cần gọi điện thoại là bên cung cấp hàng sỉ sẽ cho người mang tới tận sạp và được thanh toán gối đầu. Trong khi đó, có rất ít DN trong nước thanh toán theo hình thức này vì sợ rủi ro… Khi được hỏi, nhiều người khi mua hàng ở chợ cũng tỏ ra khá thận trọng. Bà Phan Thị Châu Anh (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) cho biết: “Vào chợ, nhiều người bán quần áo, đồ dùng gia đình… nói họ lấy hàng trong nước, nhưng vì không có nhãn mác nên tôi sợ họ trà trộn cả hàng rẻ tiền của Trung Quốc… vào bán chung. Nếu muốn mua hàng Việt có thương hiệu, chất lượng đảm bảo, tôi thường vào các cửa hàng chuyên doanh của họ hoặc vào siêu thị cho yên tâm”.

 

 Đưa hàng vào chợ, doanh nghiệp sợ bị đánh đồng với hàng kém chất lượng.
Đưa hàng vào chợ, doanh nghiệp sợ bị đánh đồng với hàng kém chất lượng.


Cần thay đổi cách nghĩ


Hiện nay, hệ thống phân phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20%, còn 80% thị phần là chợ truyền thống. Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN Việt Nam, DN trong nước vẫn còn mang nặng tâm lý “hàng chợ” nên mới chỉ tập trung mở các cửa hàng lớn, bán hàng ở siêu thị mà chưa quan tâm, chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối ở chợ. Bà Hạnh cho rằng, DN cần nhìn nhận lại vai trò của chợ truyền thống. Bởi lẽ, ngay cả đội ngũ thu mua hàng của nhiều siêu thị cũng ra chợ xem mặt hàng đó có bán chạy không rồi mới nhập về. Các tập đoàn đa quốc gia cũng nhìn thấy tiềm năng to lớn ở chợ nên đã đầu tư rất mạnh cho kênh này. Với tiềm lực tài chính, nhiều nhãn hàng của các tập đoàn đa quốc gia như: Unilever, P&G, Masan… không chỉ quảng bá sản phẩm rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn chi khá mạnh để giành lấy những vị trí bắt mắt, dễ thấy nhất ở mặt tiền các chợ và phía trên kệ hàng. Các tập đoàn này còn thường xuyên có những chương trình khuyến mại, chiết khấu cao kèm nhiều quà tặng cho các cửa hàng bán lẻ. Ngược lại, không ít DN trong nước cho rằng, tiểu thương không đủ khả năng chia sẻ hết những khó khăn đối với nhà sản xuất. Vì thế, chính sách bán hàng của họ đối với tiểu thương chưa đủ hấp dẫn, có nhiều chương trình khuyến mại cho siêu thị nhưng lại không khuyến mại hoặc dành ít ưu đãi cho tiểu thương.


Là một trong những DN đầu tư mạnh trong khâu tiếp thị ở chợ, Công ty TNHH Minh Long Hưng (kinh doanh quần áo trẻ em) sớm nhận ra vai trò quan trọng của kênh phân phối này. Ông Nguyễn Văn Dân - Trưởng kênh phân phối khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Công ty cho biết, hiện nay, thị phần chủ yếu của Công ty là ở các sạp chợ. Đây là thị trường rộng lớn, sức mua dồi dào, nếu có chiến lược hợp lý, DN sẽ có bước đi vững chắc ban đầu, còn nếu lo ngại mang tiếng “hàng chợ” nghĩa là DN đã bỏ lỡ cơ hội lớn.


Theo bà Hạnh, nếu nhà sản xuất nhỏ liên kết chặt chẽ với các tiểu thương ở chợ truyền thống thì sẽ tạo sức mạnh chinh phục người tiêu dùng. Để kết nối thành công, trước hết, DN phải vượt qua mặc cảm sợ bị coi là “hàng chợ”. Tiểu thương cũng cần đặt nhu cầu nhiều hơn ở các nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, hiệp hội DN cần tổ chức nhiều hơn những cuộc giao lưu giữa nhà sản xuất với tiểu thương để họ hiểu nhau hơn và cùng tìm hướng đi thích hợp.


ANH THÁI