22:23, 11/01/2024

Điểm sáng trong hoạt động tín dụng chính sách

MAI HOÀNG

Năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, được đánh giá là điểm sáng trong hệ thống NHCSXH.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Tại buổi làm việc của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh về kết quả hoạt động tín dụng chính sách năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức ngày 10-1, lãnh đạo NHCSXH tỉnh cho biết, đơn vị là 1 trong 13 chi nhánh trên toàn quốc được NHCSXH khen thưởng về thành tích thực hiện tốt Nghị quyết số 11/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đạt giải nhất về chuyên đề Kế toán - Ngân quỹ. Đây là niềm vui lớn của NHCSXH tỉnh, qua đó cho thấy sự nỗ lực của cán bộ, người lao động chi nhánh và các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh trong việc thực hiện hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giải ngân vốn tín dụng chính sách cho khách hàng tại TP. Nha Trang.
Giải ngân vốn tín dụng chính sách cho khách hàng tại TP. Nha Trang.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31-12-2023 đạt hơn 4.230 tỷ đồng, tăng 453,3 tỷ đồng so với đầu năm (tương ứng tỷ lệ tăng 12%), với 114.836 khách hàng dư nợ. Mức tăng trưởng dư nợ của NHCSXH cao hơn mức tăng bình quân chung của ngành Ngân hàng Khánh Hòa. Chất lượng tín dụng ngày càng ổn định hơn; nợ quá hạn của toàn chi nhánh hơn 8 tỷ đồng (giảm 666 triệu đồng so với đầu năm), chiếm tỷ lệ 0,19%/tổng dư nợ. Toàn tỉnh có 7/8 địa phương có nợ quá hạn giảm so với đầu năm, gồm: Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Khánh Sơn, Cam Lâm. Tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu bình quân của ngành Ngân hàng Khánh Hòa.

Năm 2023, toàn tỉnh có 2.536 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 92,9% tổ xếp loại tốt; 5,17% tổ xếp loại khá; 1,93% tổ xếp loại trung bình; không có tổ xếp loại yếu. Mạng lưới điểm giao dịch xã được tổ chức tại 136 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; vốn tín dụng chính sách được giải ngân trực tiếp đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, công khai, minh bạch.

Phấn đấu tăng trưởng dư nợ 8 - 10%

Tại buổi làm việc của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh, ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết, hiện nay, tuy NHCSXH chưa giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 nhưng chi nhánh đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng dư nợ khoảng 8% - 10% so với năm 2023; đồng thời phấn đấu tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh duy trì bằng hoặc thấp hơn thời điểm cuối năm 2023; có 98% tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá, không có tổ xếp loại yếu. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chỉ ra những khó khăn, thách thức trong năm 2024 đối với ngành Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng là nguy cơ nợ xấu tăng đột biến khi Thông tư số 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sẽ kết thúc vào ngày 30-6-2024. Do đó, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh cần tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng.

Để hoàn thành các chỉ tiêu phấn đấu, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù... NHCSXH tỉnh tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024 ngay từ đầu năm; thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, trong đó chú trọng kiện toàn, củng cố những tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, yếu, có nợ quá hạn, lãi tồn cao, tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm không đều; đồng thời thực hiện tốt công tác rà soát và xử lý nợ đối với khách hàng bỏ đi khỏi địa phương. Ngay trong quý I, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2024; kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các món vay mới… Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chuyển 56 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để kịp thời cung ứng vốn ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngay từ những tháng đầu năm.

MAI HOÀNG