11:11, 15/11/2020

Năm 2021: Nỗ lực để phục hồi tăng trưởng

Năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh dự kiến sẽ tăng thấp hoặc giảm so với năm 2019. Tuy nhiên sang năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế dựa trên thu hút đầu tư và một số ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2020, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh dự kiến sẽ tăng thấp hoặc giảm so với năm 2019. Tuy nhiên sang năm 2021, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế dựa trên thu hút đầu tư và một số ngành kinh tế mũi nhọn.


Nhiều chỉ tiêu giảm


Theo lãnh đạo UBND tỉnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước sẽ giảm 9,6% so với năm 2019, trong đó GRDP theo ngành kinh tế giảm 9,6%. Nếu kịch bản kiểm soát dịch trong nước tiếp tục được duy trì tốt và tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, dự kiến, GRDP của tỉnh năm 2020 tăng 0,05%, trong đó GRDP theo ngành kinh tế tăng 0,8%.

Trong số những ngành bị ảnh hưởng, dịch vụ du lịch bị nặng nề nhất. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu du lịch đạt 5.080 tỷ đồng, giảm 81,3%; khách lưu trú được 1,4 triệu lượt khách, giảm 80%, trong đó khách quốc tế được 430.000 lượt, giảm 87,9%. Bên cạnh đó, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.450 triệu USD, giảm 2,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 850 triệu USD, giảm 0,14%.

 

 

Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera Beach Resort -Spa.

Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Riviera Beach Resort -Spa.

 

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực vẫn nỗ lực tăng trưởng nhẹ. Ước thực hiện cả năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,7%; tổng sản lượng thủy sản đạt 110,2 nghìn tấn, tăng 1,1%, riêng sản lượng thủy sản khai thác đạt 99,3 nghìn tấn, tăng 1,8%. Công nghiệp đóng tàu cũng đem về cho xuất khẩu trị giá gần 500 triệu USD, bằng 1/3 giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

 

Dự kiến, thu ngân sách năm nay ước đạt 12.743 tỷ đồng, bằng 73,8% dự toán, bằng 66,8% so với năm 2019. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 1.828 tỷ đồng, bằng 140,6% dự toán; thu nội địa được 10.915 tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán…

 

Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch hành động thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, tỉnh vẫn duy trì được sự phát triển một số ngành kinh tế như: Đóng tàu, chế biến thủy sản, phát triển năng lượng mặt trời; các sản phẩm công nghiệp địa phương vẫn tham gia xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước như: Đóng mới tàu biển, hạt điều, hải sản, yến sào...

 

Công nghiệp đóng tàu vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.
Công nghiệp đóng tàu vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.

 

Tạo đà cho năm 2021

 

Dự kiến các chỉ tiêu kinh tế năm 2021
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 7,4%, trong đó GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 7,5%.
- GRDP bình quân đầu người ước đạt 73,3 triệu đồng/người.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.530 triệu USD, tăng 5,5% so với năm 2020.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.710 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2020.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 56.919 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2020.

Thời gian kết thúc năm 2020 đã cận kề, tuy kinh tế chung của tỉnh đang bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực như: Thương mại - du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm... Sau khủng hoảng do dịch Covid-19, nhu cầu thị trường cũng như cách thức khách du lịch lựa chọn điểm đến sẽ có sự thay đổi theo hướng sức khỏe và an toàn. Các dự báo quốc tế cũng cho thấy, ngành du lịch muốn đạt trạng thái phục hồi hoàn toàn cả về thị trường và khả năng cung ứng dịch vụ, bảo đảm sự ổn định tăng trưởng trở lại như trước khủng hoảng cần thời gian tối thiểu một năm.


Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh xác định, phát triển công nghiệp, đầu tư công và thu hút đầu tư sẽ được xem là những trụ cột phát triển trong thời gian tới. Năm 2020, tỉnh đã có nhiều chính sách trong kêu gọi đầu tư; đồng thời, nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp được triển khai. Điều đó đang tạo ra những kết quả tích cực trong thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Đến tháng 10-2020, toàn tỉnh thu hút được 20 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 7.516 tỷ đồng. Vào thời điểm cuối năm 2020, hàng loạt dự án sản xuất năng lượng xin được đầu tư vào khu vực Vân Phong với trị giá nhiều tỷ USD cũng đang được các bên xúc tiến. Cùng với việc kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp: Sông Cầu, Diên Phú - VCN, Trảng É và Khu Công nghiệp Ninh Thủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai để thành lập thêm 2 khu công nghiệp mới là Dốc Đá Trắng và Vạn Thắng. Khi 2 khu công nghiệp này hình thành, kỳ vọng sẽ tạo nên động lực mới, thúc đẩy kinh tế cho khu vực phía bắc của tỉnh.


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2021, tỉnh xác định tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài.


Đình Lâm