09:05, 07/05/2020

Thủy sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu

Theo dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5-2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn trong tháng 4 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.

Theo dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5-2020 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng sẽ thấp hơn trong tháng 4 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng phong tỏa.


Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 4 đạt 150.000 tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 5% về trị giá so cùng kỳ năm 2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt 553.100 tấn, trị giá 2,215 tỷ USD, giảm 3,4% về lượng và 8,5% về trị giá. Các thị trường nhập khẩu chính chưa thể phục hồi hoàn toàn, như tại EU hay Trung Quốc.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp có cơ hội để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn tới khi niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam gia tăng đáng kể. Mặt khác, các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador vẫn phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%; các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng đươc ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới.


Do vậy, để tận dụng và thích ứng trong tình hình hiện nay, việc xuất khẩu cần hạn chế sản phẩm thô mà chú trọng vào nhóm hàng giá trị gia tăng.



Công bố tiêu chuẩn giống gốc thủy sản


Tổng cục Thủy sản vừa ban hành quyết định công bố Tiêu chuẩn cơ sở về giống gốc giống thủy sản cho cho cá song chuột (Cromileptes altivelis Valencienes, 1828) và cá song chấm nâu (Epinephelus coioides Hamilton, 1822).


Cụ thể, hai tiêu chuẩn cơ sở được công bố là TCCS 09:2020/TCTS Giống gốc giống thủy sản - Cá song chuột - Yêu cầu kỹ thuật và TCCS 10:2020/TCTS Giống gốc giống thủy sản - Cá song chấm nâu - Yêu cầu kỹ thuật. Các tiêu chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy sản tham gia Chương trình giống gốc giống thủy sản do Tổng cục Thủy sản quản lý. Giống gốc và sản phẩm giống gốc thủy sản trước khi lưu thông phải đảm bảo chất lượng theo các yêu cầu tại tiêu chuẩn cơ sở.


Quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với giống gốc của cá song chấm nâu (còn gọi là mú chấm cam) và cá song chuột (còn gọi là cá mú chuột), bao gồm: cá bố mẹ, cá hương và cá giống.


T.K