10:11, 03/11/2016

Ồ ạt trồng khoai sáp

Năm nay, điều kiện thời tiết, nước tưới tiêu thuận lợi nên người dân huyện Cam Lâm, Khánh Hòa ồ ạt trồng khoai sáp. Tuy nhiên, do trồng nhiều, khả năng cung sẽ vượt cầu, dễ dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá.

Năm nay, điều kiện thời tiết, nước tưới tiêu thuận lợi nên người dân huyện Cam Lâm, Khánh Hòa ồ ạt trồng khoai sáp. Tuy nhiên, do trồng nhiều, khả năng cung sẽ vượt cầu, dễ dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá.


Diện tích trồng khoai tăng


Xã Cam Hòa được coi là vùng khoai sáp lớn nhất của huyện Cam Lâm. Năm 2015, thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới, người dân phải bỏ trắng ruộng khoai, còn bây giờ, toàn bộ diện tích đó đã phủ một màu xanh của cây khoai sáp. Trên các sào ruộng, nông dân tháo nước, phun thuốc diệt nấm cho khoai sau những cơn mưa lớn. Nhà ít cũng có 1 sào khoai, nhà nhiều có tới 5, 6 sào.

 

Người dân trồng khoai sáp ở xã Cam Tân
Người dân trồng khoai sáp ở xã Cam Tân


Ông Đinh Văn Tịnh, thôn Lập Định 3 cho biết, hơn 2 tháng trước, thấy tình hình nước tưới tiêu ổn định, người dân ở đây đã bắt đầu trồng khoai sáp. Một số nhà trước đây không trồng khoai, giờ cũng bắt đầu chuyển từ cây lúa sang cây khoai sáp vì có lời hơn. “Nhà tôi có 1 sào đất ruộng, năm ngoái bỏ hoang vì hạn hán, giờ cũng đã trồng khoai sáp được 2 tháng. Chăm sóc từ giờ đến khoảng tháng 3, tháng 4 là thu hoạch được. Hy vọng thời tiết thuận lợi để người dân có cái ăn” - ông Tịnh nói.


Người dân xã Cam Tân cũng đã trồng hết diện tích khoai sáp (khoảng 25ha). Những nhà có nước giếng khoan thì trồng từ nhiều tháng trước, sắp thu hoạch. Năm nay, ông Phạm Quốc Bảo (thôn Phú Bình 2) trồng 2,5 sào khoai. Tuy nhiên, vì thời tiết mưa nhiều nên cây dễ bị nấm. Ông Bảo cho biết: “Cứ 2, 3 trận mưa là chúng tôi phải diệt nấm một lần để tránh ảnh hưởng đến năng suất. Nếu thời tiết thuận lợi, tới vụ thu hoạch, mỗi sào, gia đình tôi thu được khoảng 2 tấn khoai. Chi phí đầu tư mỗi sào khoảng 6 triệu, nếu được giá, khi thu hoạch cũng lời được hơn 20 triệu ”.


Theo thống kê, hiện nay huyện Cam Lâm có khoảng 147,5ha khoai sáp, trong đó, xã Cam Hòa 122ha; Cam Tân 25ha; Suối Tân 0,5ha. Diện tích trồng khoai sáp trên địa bàn huyện tăng khoảng 20% so với năm trước.


Không khuyến khích mở rộng diện tích


Do người dân trồng nhiều nên hiện nay đã xảy ra tình trạng khoai rớt giá. Ông Đinh Hoài Duy (xã Cam Hòa) cho biết, cách đây 2-3 tháng, giá khoai khoảng 17.000 đồng/kg, nhưng thời gian gần đây nguồn cung tăng vọt nên các thương lái đã hạ giá xuống gần một nửa. Ông Duy lo lắng không biết đến lúc thu hoạch, giá khoai còn hạ tới mức nào.


Ông Phùng Minh Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, diện tích trồng khoai sáp trên địa bàn xã năm nay tăng cao so với các năm trước, tập trung ở thôn Lập Định 1 và Lập Định 3 với khoảng 450 hộ trồng. Địa phương không khuyến khích người dân bỏ cây lúa để chuyển sang khoai sáp ồ ạt, vì nguồn cung tăng đột biến dễ dẫn đến việc bị thương lái ép giá. “Địa phương có ký kết với các siêu thị, đảm bảo nguồn ra với giá ổn định cho người dân, nhưng lượng tiêu thụ trong siêu thị không lớn bằng các thương lái. Nhiều trường hợp, việc thu hoạch khoai phải chịu sự chi phối của thương lái, nếu không sẽ không có người tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến giá cả không ổn định” - ông Vang nói.


Được biết, trước đây, xã Cam Hòa có vùng quy hoạch chuyên canh cây khoai sáp tại thôn Lập Định 3 với diện tích 50ha, nhưng đến nay, diện tích trồng đã vượt quá vùng chuyên canh, ảnh hưởng không ít đến cây lúa. Bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng Trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm cho biết: “Về chủ trương, huyện không khuyến khích người dân chuyển đổi từ cây lúa sang trồng khoai sáp. Tuy giá khoai sáp rớt nhưng vẫn cao hơn giá lúa nên người dân vẫn trồng. Các địa phương có diện tích trồng khoai sáp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không nên trồng ồ ạt; đồng thời định hướng cho người dân tìm đầu ra với giá ổn định cho sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá”.


VĨNH THÀNH