10:11, 03/11/2016

Huyện Cam Lâm: Vướng mắc trong công tác giảm nghèo

Kết quả kiểm tra thực tế tình hình thực hiện công tác giảm nghèo năm 2016 của huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cho thấy việc triển khai tại các xã còn gặp vướng mắc, chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách.

Kết quả kiểm tra thực tế tình hình thực hiện công tác giảm nghèo năm 2016 của huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cho thấy việc triển khai tại các xã còn gặp vướng mắc, chủ yếu liên quan đến cơ chế, chính sách.


Triển khai đồng bộ


Kết quả kiểm tra cho thấy, cấp ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn đều triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo ở địa phương. Ban chỉ đạo giảm nghèo các xã, thị trấn đã tham mưu cho UBND các nội dung cụ thể để thực hiện chương trình giảm nghèo. Năm 2016, toàn huyện còn 3.630 hộ nghèo. Địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều chính sách, dự án như vay vốn hộ nghèo, hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế (BHYT), chương trình nông thôn mới.

 

Bà Giang Thị Sanh sống trong căn nhà lụp xụp
Bà Giang Thị Sanh sống trong căn nhà lụp xụp


Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện có 1.651 hộ nghèo được tiếp cận vốn vay hộ nghèo; 130 hộ nghèo được cho vay về nhà ở. Bên cạnh đó, gần 9.000 hộ được vay theo nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường với tổng số tiền hơn 76 tỷ đồng; 290 hộ được tiếp cận vốn vay giải quyết việc làm với số tiền 6,3 tỷ đồng. 100% người nghèo thuộc diện được cấp phát thẻ BHYT miễn phí và hộ cận nghèo được hỗ trợ 85% kinh phí mua thẻ BHYT được phát thẻ. Hàng chục ngàn học sinh nghèo, mồ côi, tàn tật, có cha mẹ sinh sống tại các vùng khó khăn, con của đối tượng chính sách ưu đãi người có công… được hỗ trợ để đến trường. Đặc biệt, nhiều địa phương còn chủ động triển khai nhiều mô hình khuyến công, nông, lâm, ngư, góp phần giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất và thoát nghèo như: nuôi heo đen ở xã Sơn Tân, Cam Tân; các lớp tập huấn cải tạo vườn tạp, nuôi trồng thủy sản ở xã Cam Thành Bắc; chăn nuôi gà thả vườn ở Cam An Nam; trồng rau theo mô hình VietGAP ở xã Suối Cát…


Những vướng mắc


Theo bà Trần Mai Thị Kim Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, thực tế tình hình thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện còn một số vướng mắc, cần được tháo gỡ. Hiện nay, các địa phương gặp khó khăn khi đăng ký BHYT do phần mềm BHYT của cơ quan bảo hiểm xã hội chưa hoàn thiện. Công tác đào tạo nghề theo Đề án 1956 cũng cần đổi mới, mở thêm các lớp đào tạo nghề gắn với khả năng xin việc cho lao động địa phương; tạo mối liên kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn huyện. Qua khảo sát cho thấy, nhiều người lao động có nhu cầu được đào tạo nghề dịch vụ buồng phòng khách sạn vì phù hợp với điều kiện địa phương đang có nhiều dự án du lịch đầu tư.


Quỹ đất để hỗ trợ cho các hộ nghèo sản xuất cũng là vấn đề khó khăn, bởi hiện nay, nhiều xã không còn quỹ đất để hỗ trợ. Mặt khác, thời gian qua, mức vốn giải ngân cho vay vốn trung bình ở mức 20-23 triệu đồng/hộ, so với hạn mức quy định cho vay hộ nghèo, cận nghèo (50 triệu đồng/hộ) là còn thấp so với nhu cầu. Điều này hạn chế phần nào quy mô sản xuất của hộ nghèo hoặc chưa giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, còn tái nghèo. Nguyên nhân một phần do các tổ tư vấn vay vốn ở xã, thôn hay từng hộ vay vốn còn e ngại khả năng trả vốn vay, lãi vay nên không dám đề  xuất cho vay hoặc xin vay đủ hạn mức cho phép. Cùng với đó, hộ nghèo thụ hưởng một số chính sách của Nhà nước thường không lâu dài (thường khoảng 1 năm), trong khi các nguồn lực địa phương tìm kiếm còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng nhu cầu.


Một trong những vướng mắc mà nhiều xã gặp phải là giải pháp thoát nghèo đối với những đối tượng nghèo bảo trợ xã hội. Thực tế, những đối tượng này không thể thoát nghèo nhưng lại nằm trong danh sách hộ nghèo, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo. Ở xã Cam Tân, trong số 253 hộ nghèo, có 14 hộ là đối tượng thuần bảo trợ xã hội, không thể thoát nghèo (đối tượng bảo trợ già cả, neo đơn, không có sức lao động); 47 hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội. Tương tự, xã Cam An Nam có hơn 110 hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội. Như trường hợp của bà Giang Thị Sanh, 81 tuổi ở thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam sống một mình trong căn nhà lụp xụp. Bà Sanh nói: “Bây giờ sức khỏe ngày càng yếu nên tôi chỉ biết nuôi vài con gà để mong kiếm ít tiền. Đã bao năm nay, tôi không thể thoát khỏi cảnh nghèo”.


Được biết, năm 2016, toàn huyện Cam Lâm có 703 hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội. UBND huyện đã kiến nghị đến các cấp thẩm quyền xem xét tách đối tượng này ra khỏi danh sách hộ nghèo, để các hộ này được thực hiện các chính sách an sinh xã hội và không ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn số 6977 hướng dẫn giải quyết vấn đề này.  


“Ngoài ra, cũng cần có chính sách tuyên dương, khen thưởng các hộ, tổ chức có nhiều nỗ lực đóng góp trong công tác giảm nghèo. Đây là yếu tố tinh thần quan trọng động viên người dân và các cấp, ngành chung tay giúp người nghèo thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”, bà Trần Mai Thị Kim Hòa đề nghị.


TIỂU MAI - K. NGUYỄN