07:06, 12/06/2012

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm dần mặt bằng lãi suất. Theo đó, các ngân hàng cũng liên tục đưa ra những gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp giảm dần mặt bằng lãi suất. Theo đó, các ngân hàng (NH) cũng liên tục đưa ra những gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn vay.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa.

Nguồn vốn giá rẻ dồi dào

NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay chỉ còn 12% đối với một số đối tượng ưu tiên nhằm chia sẻ khó khăn của khách hàng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây là lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, BIDV thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng công bố sẽ dành một lượng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi đối với khách hàng xuất, nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ và cam kết bán ngoại tệ cho NH. Trước đó, NH Quốc tế (VIB) triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho DN trong ngành thực phẩm đồ uống…

Chương trình ưu đãi “60 ngày tiếp sức doanh nghiệp” của NH Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã triển khai được một tháng. Đây là chương trình cho vay ưu đãi lớn nhằm đồng hành với DN vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay (chương trình kéo dài đến ngày 9-7-2012). Bà Nguyễn Thị Thu Khánh - Giám đốc LienVietPostBank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Với chương trình này, khách hàng DN có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ với hàng loạt ưu đãi lớn, lãi suất cho vay hấp dẫn, cạnh tranh trên thị trường và dịch vụ kèm theo. Đặc biệt, đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu có thể được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi thấp nhất khi sử dụng gói sản phẩm “LienVietPostBank ưu đãi xuất khẩu - Lãi suất cực sốc”. Sau một tháng triển khai, NH đã tiếp cận và hỗ trợ vốn cho một số DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, xây dựng, kinh doanh thương mại trên địa bàn, đáp ứng được một phần nhu cầu tín dụng cho các DN, trong đó có một số DN nhỏ và siêu nhỏ”.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Những gói tín dụng ưu đãi mà các NH liên tục tung ra thị trường trong thời gian qua được xem là khá hấp dẫn. Nhiều NH cũng bám sát DN hơn và bước đầu đã cho vay theo phương pháp quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn từ NH. Ông Nguyễn Cảnh Nguyên - Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoàng Gia Nguyên (Nha Trang) cho biết: “Chính sách là như vậy, nhưng DN tiếp cận được nguồn vốn không dễ, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. NH đòi hỏi về khả năng và nguồn lực đảm bảo tín chấp rất khắt khe; trong khi đó, họ lại định giá tài sản rất thấp. Giá trị tài sản của DN cả tỷ đồng nhưng NH chỉ định giá 1/3 giá trị. Chính vì vậy, nhiều DN nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn vốn. Tuy DN tôi thuộc đối tượng ưu tiên và cũng đã chứng minh được phương án kinh doanh khả thi nhưng vẫn không vay được vốn”.

Theo kết quả điều tra mới đây của Cục Thống kê Khánh Hòa, trong số các DN nhỏ và vừa được khảo sát có 33,3% DN thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. 52,7% DN từ năm 2009 đến nay biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các DN nhỏ và vừa, còn lại 47,4% DN không biết (trong số đó chỉ có 9,7% DN được hỗ trợ vay vốn). Trong các DN không vay được vốn khi được hỏi thì có 30,3% DN cho rằng không có nhu cầu vay; 15,2% DN cho rằng vì lãi suất quá cao; 9,1% cho rằng thủ tục vay phức tạp, mất nhiều thời gian; 10,9% DN cho rằng không đủ tài sản để thế chấp. Cũng theo kết quả khảo sát 6 yếu tố cản trở làm ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động kinh doanh của các DN thì yếu tố cản trở hàng đầu là lãi suất vay vốn quá cao (26%), xếp vị trí thứ ba là khả năng tiếp cận vốn khó khăn (14,5%)…

Theo các số liệu vừa công bố, tính đến tháng 5, mức tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc hơn (dù cao hơn mặt bằng chung của cả nước nhưng vẫn có mức tăng rất thấp). Hiện tượng sản xuất đình trệ khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn. NHNN nhận định, hiện có những nguyên nhân chính khiến NH khó tìm được khách hàng như: Nhiều DN đang ở trong tình trạng có nợ quá hạn hoặc nợ xấu cao tại NH; các DN chưa có phương án kinh doanh hiệu quả; các chỉ số an toàn trong hoạt động DN bị suy giảm đáng kể; NHNN chưa có hướng dẫn và quy định cụ thể về cho vay mới, trả nợ cũ nên các NH không thể thực hiện; NH gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh tính minh bạch và lành mạnh của DN; hàng tồn kho nhiều, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa chia sẻ: “DN thiếu vốn trong khi các NH lại không thể cho vay là một nghịch lý. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, DN muốn tiếp cận vốn vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của NH. Vì NH cũng là DN, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Do vậy, chúng tôi cũng phải tuân thủ yêu cầu, thủ tục, điều kiện cho vay để hạn chế rủi ro. Trong khi đó, nhiều DN có dự án và phương án vay vốn chưa có tính khả thi, tính minh bạch về tài chính và hồ sơ vay vốn cao nên chưa tạo được sự tin tưởng với NH”.

Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ mới đây, đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các NH trên địa bàn hỗ trợ tích cực để DN được tiếp cận và hấp thụ vốn, tập trung vốn hỗ trợ cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong tháng 6, UBND tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc với các huyện, thị xã, thành phố, DN trên địa bàn tỉnh để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của DN nhằm thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.

BÍCH KHUÊ

Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: Dư nợ tín dụng tăng chậm, doanh số cho vay 5 tháng ước đạt 14.100 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 20.296 tỷ đồng, tăng 0,35% so với đầu năm và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước. Các tổ chức tín dụng tập trung phục vụ ngành, lĩnh vực ưu tiên nên dư nợ lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn tăng đến 18,9%, cho vay DN nhỏ và vừa tăng 4,2%, lĩnh vực không khuyến khích giảm 6%. Đặc biệt, dư nợ ngoại tệ tăng đến 13,6% với 452 tỷ đồng, dư nợ bằng VND giảm 381 tỷ đồng, tương đương 2,2% (do đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu). Mặt khác, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, lãi suất cho vay bằng USD thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay bằng VND.