03:10, 18/10/2011

Hướng tới xây dựng vùng chuyên canh đặc trưng

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là cơ hội “vàng” giúp hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được học nghề phù hợp và có việc làm mới.

Đề án đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là cơ hội “vàng” giúp hàng nghìn LĐ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được học nghề phù hợp và có việc làm mới. Đồng thời, đề án hướng đến việc xây dựng các vùng chuyên canh đặc thù, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó cần sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà”: nhà nông, nhà trường và nhà thu mua sản phẩm.

. Nhiều mô hình hay

Trên cơ sở điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm LĐNT, các cấp, ngành đã tập trung nghiên cứu những mô hình ngành nghề phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế vốn có của từng vùng nông thôn để triển khai ĐTN. Dựa trên những lợi thế vốn có, Ban chỉ đạo đề án đã xây dựng thành công một số mô hình ngành nghề đặc trưng như: nuôi gà thả vườn, trồng nấm bào ngư trên rơm, nuôi tu hài thương phẩm, nuôi ếch, thủy sản nước ngọt, trồng và chăm sóc cây cảnh, nuôi trùn quế… tại các huyện, thị xã, thành phố. Những mô hình này bước đầu đã tạo ra sức bật mới cho LĐNT.

Những mô hình ngành nghề đặc trưng sẽ góp phần xây dựng các vùng chuyên canh cho mỗi địa phương. 

Điển hình là mô hình trồng nấm bào ngư trên rơm tại huyện Vạn Ninh. Ông Mạc Tiến Hưng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh cho biết: “Huyện Vạn Ninh có tổng diện tích đất tự nhiên 55.049ha, trong đó diện tích đất chuyên canh trồng lúa 8.595ha. Hàng năm, lượng rơm sau khi thu hoạch lúa khoảng 30.000 tấn, nhưng mới chỉ có khoảng 1.500 tấn được một số hộ gia đình tận dụng để trồng nấm rơm. Số còn lại, người dân bỏ không hoặc đốt lấy tro bón đồng, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, trên địa bàn huyện vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào trồng và chế biến nấm bào ngư. Đây là những lợi thế rất lớn để huyện Vạn Ninh có thể phát triển nghề này. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tiễn sản xuất tại một số trang trại chuyên trồng nấm bào ngư ở các tỉnh bạn, cho thấy, hiệu quả kinh tế của nghề trồng nấm bào ngư cao gấp 3 lần so với trồng nấm rơm bình thường”. Chính bởi lợi thế vốn có đó, huyện Vạn Ninh đã xây dựng kế hoạch đào tạo hơn 350 LĐ tại các xã: Xuân Sơn, Vạn Lương, Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng, Vạn Khánh.

Trong khi đó, mô hình nuôi gà thả vườn tại huyện Diên Khánh được triển khai dựa trên nhu cầu của người học và thị trường. Huyện Diên Khánh đã giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập trung nghiên cứu và chọn xã Diên Thọ, Suối Tiên làm điểm dạy nghề cho người dân. Huyện đã dạy nghề cho hơn 70 LĐ. Nhờ đó, tại 2 xã điểm này đã hình thành vùng chuyên canh chăn nuôi gà chất lượng cao, người dân đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chăn nuôi.

. Cần liên kết chặt chẽ “3 nhà”

Để công tác ĐTN cho LĐNT đạt hiệu quả cao; đồng thời xây dựng các vùng chuyên canh thực sự bền vững, tạo được thương hiệu đặc trưng cho mỗi địa phương rất cần có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa “3 nhà” (nhà nông, nhà trường và nhà thu mua sản phẩm). Để làm được điều này, người học phải xác định học nghề là cơ hội nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng suất LĐ và thu nhập. Chỉ có qua đào tạo, có kiến thức về nghề nghiệp, người lao động mới có cơ hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội. Người nông dân phải phát huy vai trò chủ thể trong chương trình ĐTN của các cơ sở, tổ chức đào tạo. Trước khi tham gia học nghề phải xác định được nhu cầu học thực sự, xem nghề đó có phù hợp với khả năng và sở thích, có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Bên cạnh đó, ngành chức năng, các chuyên gia cần tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp để nông dân lựa chọn nghề học thích hợp. Các cơ sở ĐTN phải có chương trình giảng dạy phù hợp với đối tượng đặc thù là LĐNT, chú trọng việc thực hành, cầm tay chỉ việc. Liên tục đổi mới các hình thức tổ chức đào tạo, bên cạnh các chương trình đào tạo chính quy, tập trung, cần có những chương trình đào tạo ngắn hạn, đào tạo ngay tại thôn bản, ngay trên ruộng đồng. Các đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm nên coi công tác ĐTN cho LĐNT là chiến lược để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất LĐ. Để làm được điều đó, đơn vị, doanh nghiệp cần liên kết với cơ sở đào tạo, chính quyền địa phương “đặt hàng” nguồn sản phẩm để các cơ sở chủ động trong chương trình giảng dạy; đồng thời giúp học viên yên tâm học tập và biết chắc sẽ có đầu ra cho sản phẩm sau khi được ứng dụng sản xuất.

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đối với những mô hình ngành nghề nông nghiệp, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thị trường và liên kết với các công ty chế biến nông sản nhận bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Tuy nhiên, để phát huy được lợi thế đó cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Từ đó mới đạt được mục tiêu đề ra và chương trình ĐTN cho LĐNT mới thực sự lan tỏa. Có như vậy, các vùng chuyên canh mới thực sự bền vững, tạo được thương hiệu đặc trưng cho địa phương. Người nông dân sẽ có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập, nâng cao mức sống”.

VĂN GIANG