11:02, 18/02/2014

Giữ gìn và phát huy văn hóa biển, đảo

Văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa ghi dấu ấn mạnh mẽ với hàng nghìn hiện vật giá trị, đủ sức là tiền đề đóng góp cho sự hình thành một bảo tàng văn hóa biển trong tương lai.

Văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa ghi dấu ấn mạnh mẽ với hàng nghìn hiện vật giá trị, đủ sức là tiền đề đóng góp cho sự hình thành một bảo tàng văn hóa biển trong tương lai.


Dấu ấn Hoàng Sa - Trường Sa từ đầu thế kỷ XX


Đến Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, người xem ngỡ ngàng với một kho sinh vật, tài nguyên thiên nhiên đặc trưng cho 2 quần đảo này. Phòng trưng bày hiện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ Trường Sa, Hoàng Sa và một số vùng biển trong nước. Đây là kết quả của sự miệt mài nghiên cứu, khổ công sưu tầm của những cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học từ những năm đầu của thế kỷ XX đến nay.

 

Những mẫu vật lấy từ Trường Sa năm 1989.
Những mẫu vật lấy từ Trường Sa năm 1989.


Tại phòng trưng bày này, chúng ta có thể thấy nhiều tài liệu lịch sử về quá trình khảo sát, quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ như một loạt thư tịch, văn bản triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa. Hay một số hình ảnh về thuyền của đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII, bản đồ địa hình đáy biển của Việt Nam. Đặc biệt là hình ảnh của tàu De Lanessan gợi về một thời nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa trong buổi đầu thành lập Viện Hải dương học. Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1927 đến 1933, tàu De Lanessan đã 3 lần đến vùng biển Trường Sa để khảo sát, điều tra. Năm 1938, Viện đã thành lập một trạm quan trắc hải dương học tại đảo Pattle trong quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động của tàu De Lanessan giai đoạn này đã thu lại nhiều kết quả.


Ngoài các tài liệu văn hóa, lịch sử, ở đây còn có những mẫu sinh vật, địa chất đươc lấy từ 2 quần đảo trên. Nổi bật như: đá vôi san hô lấy ở Trường Sa năm 1989; bom núi lửa lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989; vỏ sò dài 1m, nặng 145kg lấy từ đảo Sinh Tồn từ năm 1991; mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998; mẫu cá thu song khổng lồ nặng 70kg, dài 4m lấy ở Trường Sa đầu năm 2011...

 

1
Những tài liệu chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


Đủ sức xây dựng bảo tàng văn hóa biển


Ngoài Viện Hải dương học, mới đây nhất, với đề tài khoa học “Sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng về văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” do Thạc sĩ Lê Văn Hoa, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ nhiệm đã chứng minh văn hóa ở Khánh Hòa mang tính chất biển đảo rất đậm đà. Tác giả đã sưu tập được 324 sản phẩm, 1.500 ảnh tư liệu, kỷ yếu về văn hóa biển, đảo Khánh Hòa. Ở đây nổi bật là văn hóa tinh thần với tục thờ Ông Nam Hải, Thánh Mẫu Thiên Y Ana, Bà tổ Chúa đảo, Tổ nghề khai thác yến, các lễ hội, trò chơi dân gian... Theo công bố của đề tài, Khánh Hòa có 1.089 di tích và địa điểm có dấu hiệu di tích, trong đó có 153 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia (đến tháng 6-2013). Trong số di tích được xếp hạng có 75% các di tích thuộc vùng cư dân ven biển đảo.

 

Thuyền của Hải đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII.
Thuyền của Hải đội Hoàng Sa thế kỷ XVII - XVIII.


Tác giả Lê Văn Hoa cho rằng, tất cả những yếu tố đó sẽ là tiền đề đóng góp cho sự hình thành một bảo tàng văn hóa biển trong tương lai mà Khánh Hòa là một trong những địa phương có tiềm năng, hội tụ đầy đủ điều kiện của khu vực Nam Trung bộ. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành hải dương học đánh giá: “Một quốc gia biển” chỉ thực sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Và chiến lược “phát triển kinh tế và quốc phòng ở biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển đảo”.


Ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, với ưu thế về điều kiện tự nhiên mang tính chất đặc trưng vùng miền gắn liền với biển đảo, nền khoa học biển phát triển với Viện Hải dương học... Khánh Hòa sẽ có nhiều ưu thế để xây dựng và phát huy một bảo tàng văn hóa đậm chất biển đảo.


ĐOÀN HƯƠNG GIANG