21:50, 08/09/2023

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tích cực triển khai Đề án 06

VĂN GIANG

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Khánh Hòa tích cực triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Qua đó, đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo chuyển biến trong quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Để tạo thuận lợi cho người dân, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tiếp nhận giải quyết hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục hành chính “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”. Từ đó, trung tâm đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người lao động thực hiện nộp thủ tục theo 5 bước tại nhà trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Được hướng dẫn, tôi ở nhà tự thực hiện nộp hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia theo từng bước nên rất thuận lợi. Khi thành công, hệ thống tự động báo kết quả qua tin nhắn điện thoại. Việc nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa tiện lợi, nhanh gọn mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân”. Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 939 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án 06, sở đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự tham gia tích cực của các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, tập trung thực hiện việc sử dụng hiệu quả chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán lệ phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, sở đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành gồm hệ thống phần mềm theo dõi bảo trợ xã hội và phần mềm quản lý, dự báo thông tin thị trường lao động; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc sở thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Sở đã bố trí 9 tài khoản được phân quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Việc làm sạch dữ liệu các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người có công, hộ nghèo và cận nghèo góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai các chính sách an sinh xã hội được nhanh chóng, chính xác, tránh được tình trạng lợi dụng để trục lợi chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song ngành vẫn còn gặp không ít khó khăn trong công tác chuẩn hóa dữ liệu do cán bộ LĐ-TB-XH cấp xã thường xuyên thay đổi; máy tính ở cấp xã cấu hình công nghệ chưa đảm bảo yêu cầu; hệ thống ngân hàng thương mại tại các địa phương chưa phát triển đồng bộ, chủ yếu tập trung tại trung tâm cấp huyện nên chưa hỗ trợ tối đa cho việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh; địa điểm rút tiền của ngân hàng khá xa nơi cư trú của người thụ hưởng nên đi lại khó khăn...

Thời gian tới, sở sẽ tập trung tìm giải pháp khắc phục những khó khăn và triển khai toàn diện nhiệm vụ của Đề án 06; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; triển khai có hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường theo dõi, đôn đốc và tổng hợp chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu của các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công...; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho các đối tượng…

 

Đến nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành công tác cập nhật, bổ sung dữ liệu 49.260 đối tượng bảo trợ xã hội lên hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, đạt 100%. Tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh đã cập nhật thông tin được 273.057/273.322 trẻ em lên phần mềm, trong đó có 269.218 em đã cập nhật mã định danh, đạt 98,5% tổng số trẻ em. Dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được lưu trữ, tổng hợp và chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH để thực hiện trong thời gian tới. Sở cũng đã rà soát, chuẩn hóa 1.283/4.818 đối tượng người có công với cách mạng; tiếp tục đôn đốc cấp xã làm sạch dữ liệu đối tượng người có công.

Sở LĐ-TB-XH cùng với các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện việc chi trả trợ cấp hàng tháng không dùng tiền mặt cho đối tượng thụ hưởng. Bước đầu, trong tháng 8-2023, sở và các địa phương đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 833 người với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

VĂN GIANG