09:02, 26/02/2023

Mở rộng kết nối về phía đại ngàn

Tại Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa xung quanh sự kiện này.

Tại Hội nghị hợp tác phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa xung quanh sự kiện này.


- Xin ông đánh giá đôi nét về tiềm năng của 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk?


- Khánh Hòa được xem là cực phát triển KT-XH của khu vực Nam Trung Bộ, trung tâm du lịch mang đẳng cấp quốc tế của cả nước. Tỉnh có bờ biển dài, với 3 vịnh lớn được đánh giá là những vịnh đẹp của thế giới là Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh. Ngoài ra, quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước. Biển và tiềm năng kinh tế biển là những nét nổi bật của Khánh Hòa. Tỉnh có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản; phát triển du lịch và đặc biệt là phát triển công nghiệp, cảng biển gắn với các khu đô thị ven biển.

Lễ ký kết hợp tác giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk.
Lễ ký kết hợp tác giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk.

Trong khi đó, Đắk Lắk được xem là thủ phủ của Tây Nguyên, nằm ở vị trí trung tâm vùng, sở hữu vị trí địa lý chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh, cùng hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối dễ dàng với các tỉnh trong khu vực, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; TP. Buôn Ma Thuột được xác định là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị. Đắk Lắk có lợi thế về tài nguyên đất đai màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao, có cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Ngoài ra, Đắk Lắk còn được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo.


Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế suốt thời gian vừa qua, dù 2 tỉnh đều có những bước phát triển nhất định, song vẫn chưa thực sự liên kết chặt chẽ để tạo nên những thuận lợi giúp cả 2 địa phương cùng phát triển mạnh mẽ; tạo ra các lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên phương diện cả nước.


- Vậy, bắt đầu từ khi nào tỉnh Khánh Hòa có ý tưởng liên kết với tỉnh Đắk Lắk, thưa ông?


- Hợp tác - liên kết để cùng phát triển luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong phát triển KT-XH ở giai đoạn hiện nay. Hợp tác - liên kết sẽ giúp các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của mình để phát triển; đặc biệt, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc đẩy mạnh liên kết trong phục hồi phát triển kinh tế trong và sau dịch ở mỗi địa phương trên cả nước. Do đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Khánh Hòa luôn chú trọng, tích cực đẩy mạnh việc hợp tác - liên kết với các địa phương khác để cùng phát triển, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Với những lợi thế về khoảng cách địa lý cũng như tiềm năng sẵn có, việc đẩy mạnh liên kết giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đã được Bộ Chính trị xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng về liên kết vùng tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 21-3-2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW. Đồng thời, đây cũng chính là trăn trở của lãnh đạo 2 địa phương trong suốt thời gian qua. Đã đến lúc 2 tỉnh cần phải có những liên kết, hợp tác cụ thể trong nhiều lĩnh vực để phát triển mạnh mẽ hơn. Việc hợp tác phát triển KT-XH giai đoạn hiện nay hết sức cần thiết, không chỉ cho sự phát triển của riêng 2 tỉnh mà sẽ tạo ra sự phát triển chung cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


- Hội nghị hợp tác phát triển KT-XH giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk mang tầm chiến lược, tạo kết nối cho Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ. Xin ông nói rõ hơn ý nghĩa của việc hợp tác này?


- Có thể nói, sự liên kết này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng cho cả 2 tỉnh. Khánh Hòa hợp tác phát triển KT-XH với Đắk Lắk chính là sự kết nối của biển và rừng. Chúng ta có cơ hội mở rộng và đi về phía đại ngàn Tây Nguyên để hợp tác cùng nhau phát triển vươn tầm, tạo điều kiện cho sự giao thoa của 2 khu vực văn hóa với nhiều nét đặc trưng. Đây cũng là cơ hội cho phát triển du lịch, thu hút nguồn nhân lực để thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị. Trong khi đó, kết nối với Khánh Hòa, Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên sẽ có cơ hội vươn ra quốc tế bằng cửa ngõ Biển Đông thông qua các cảng biển của Khánh Hòa. Sự quan hệ tương hỗ này sẽ tạo nên động lực rất lớn cho sự phát triển chung của cả 2 địa phương, cũng như cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


- Hiện nay, toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh, góp phần để Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Xin ông cho biết, sau khi hợp tác với Đắk Lắk sẽ mở ra triển vọng như thế nào cho Khánh Hòa?


- Sau khi ký kết hợp tác, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều khác biệt trong phát triển cho cả 2 địa phương. Riêng đối với Khánh Hòa, tỉnh sẽ phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Khánh Hòa sẽ là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc, một trong những địa phương đi đầu trong bảo vệ môi trường và thực hiện phát thải khí nhà kính về mức 0.


Sau khi có sự hợp tác giữa 2 bên, Khánh Hòa tiếp tục khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng phát triển các ngành kinh tế gắn với thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ.


Với những tiềm năng sẵn có, cùng với sự quyết tâm và đồng thuận trong chính quyền địa phương, tỉnh Khánh Hòa cam kết sẽ có những liên kết hiệu quả với Đắk Lắk, tạo nên sự phát triển chung cho cả 2 địa phương. Sự thành công trong liên kết giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk sẽ tạo nên cực tăng trưởng chung cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.


- Xin trân trọng cảm ơn ông!


ĐÌNH LÂM (Thực hiện)