10:07, 26/07/2020

Thực hiện kịp thời các chính sách người có công

Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

. Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.


- Xin bà cho biết những nét nổi bật trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 


- Những năm qua, các ngành chức năng luôn kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ theo quy định đối với NCC với cách mạng. Tỉnh đã giải quyết tốt công tác xác nhận hồ sơ cho NCC với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định, nhất là chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; các chế độ trợ cấp một lần. Hiện nay, toàn tỉnh có 50.908 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi NCC với cách mạng, trong đó có 6.947 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Các chế độ luôn được các ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, chưa phát hiện trường hợp gian lận, trục lợi chính sách.


Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ, các ngành chức năng, địa phương đã khẩn trương rà soát, thống kê các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ. Trong đó, đối tượng NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng được triển khai hỗ trợ nhanh chóng, chính xác. Toàn tỉnh có 5.290 NCC với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 7,9 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương và các cơ sở chăm sóc NCC trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xong công tác chi hỗ trợ theo đúng quy định.

 

 

zzĐồng chí Nguyễn Khắc Định thăm hỏi, tặng quà tại gia đình ông Huỳnh Việt Hồng, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.

Ông Nguyễn Khắc Định thăm hỏi, tặng quà tại gia đình ông Huỳnh Việt Hồng, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh.


Ngoài thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, hàng năm, tỉnh đều bố trí ngân sách và tổ chức các đoàn NCC tiêu biểu đi thăm Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác và tham quan các danh thắng ở các tỉnh phía bắc. Tỉnh còn tổ chức điều dưỡng luân phiên tại các trung tâm điều dưỡng NCC và điều dưỡng tại gia đình cho hàng nghìn NCC. Vào dịp lễ, Tết hàng năm, tỉnh dành nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho NCC và thân nhân của họ.


Công tác tu bổ, tôn tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ cũng được tỉnh thực hiện chu đáo. Toàn tỉnh có 6 nghĩa trang liệt sĩ, 38 đài tưởng niệm, 2 đền thờ liệt sĩ và 70 nhà bia ghi tên liệt sĩ, với tổng số mộ đã được quy tập và an táng hơn 6.200 mộ đều được chăm sóc chu đáo. Hàng ngày, tại các nghĩa trang đều có người chăm sóc, tạo cảnh quan, tiếp đón thân nhân và người dân tới thăm viếng, dâng hương...


- Để góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, ngành, địa phương triển khai đạt những kết quả như thế nào, thưa bà?


- Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều phát động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 21,6 tỷ đồng. Qua đó, trích hỗ trợ xây dựng mới 213 nhà, sửa chữa 335 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách với kinh phí 16 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 25 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Để góp phần động viên các mẹ vượt qua đau thương, mất mát, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã nhận phụng dưỡng các mẹ đến cuối đời. Hàng tháng, các đơn vị nhận chu cấp cho mỗi mẹ từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Đồng thời, cán bộ, nhân viên, đoàn viên từng đơn vị thay phiên nhau hàng tháng đến thăm hỏi, trò chuyện với các mẹ. Không chỉ vậy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” còn được nhiều địa phương phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu với những việc làm thiết thực. Đó là hoạt động đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng NCC và con đẻ của họ... Qua đó đã góp phần giúp nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, NCC khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên trong cuộc sống và làm giàu từ chính khả năng của bản thân, gia đình. Hàng năm, toàn tỉnh có hàng trăm thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC được các địa phương bình xét và công nhận là “người công dân kiểu mẫu”, “gia đình cách mạng gương mẫu”. Nhờ đó đến nay, 100% hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú; 136/136 xã, phường, thị trấn đã được công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ” trong năm 2020…


- Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi dành cho NCC với cách mạng, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào những vấn đề gì, thưa bà?


- Thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng; tiếp tục thực hiện đồng bộ Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC với cách mạng. Bên cạnh đó, duy trì phong trào xây dựng 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023…


- Xin cảm ơn bà!


VĂN GIANG (Thực hiện)