21:17, 11/02/2024

Khánh Vĩnh - Tiểu đô thị sinh thái núi rừng

Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 35km. Tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện 1.167km2, dân số toàn huyện có trên 45.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 73%.  

Một góc huyện Khánh Vĩnh

Năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp của huyện ổn định và tăng trưởng hơn so với năm trước; các cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp 73,218 tỷ đồng; đạt 125,16% so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 318,5 tỷ đồng, đạt 101,34% so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong năm qua, toàn huyện có 4.211 hộ nghèo, tỷ lệ 39,16%. Kết quả mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 13,65%; đạt 189% so với kế hoạch tỉnh giao (tương ứng với mức giảm 1.426 hộ nghèo/776 hộ nghèo).

 

Bên cạnh thế mạnh về nông nghiệp, huyện Khánh Vĩnh còn là nơi có nhiều cảnh quan phong phú, đa dạng, có nhiều vùng núi cao với đặc trưng khí hậu nhiệt đới ôn hòa, mát mẻ nhưng không có các hiện tượng thời tiết như gió nóng, sương muối... Ở những vùng cao, sương mù thường xuất hiện vào sáng sớm, mức độ không dày, tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch núi và trồng các loại cây ăn quả. Về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Vĩnh có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, môi trường sinh thái đa dạng. 

 

Các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho Khánh Vĩnh mở rộng và phát triển du lịch sinh thái, tham quan vườn cây ăn trái, nghỉ dưỡng và gắn kết tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa. Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng đã hoạt động như: Công viên Du lịch Yang Bay (xã Khánh Phú); suối Lách (xã Giang Ly); khu suối khoáng nóng Nhân Tâm 2 (xã Khánh Hiệp)..., các địa điểm như: Suối Mấu (xã Khánh Thượng), suối nước nóng (xã Khánh Thành), thác Ziông (xã Khánh Trung), thác Salawen (xã Khánh Hiệp)... cũng có tiềm năng phát triển du lịch. Vì vậy, địa phương định hướng du lịch sinh thái - văn hóa, gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, tham quan vườn cây ăn trái là loại hình du lịch chủ yếu của huyện tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, từng bước phát triển du lịch sinh thái gắn liền với sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân địa phương về mọi mặt; đồng thời, thực hiện đúng theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị là phát triển huyện Khánh Vĩnh thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. 

V.T