10:11, 01/11/2018

Dạy tin học ở cấp tiểu học: Cần chủ trương xã hội hóa

Năm học này, tin học là môn học tự chọn ở cấp tiểu học và Trung học cơ sở, nhưng nhiều trường trung học vẫn khó xử  bởi học sinh muốn học nhưng điều kiện trường lại khó khăn. Trong khi đó, từ năm học 2021 - 2022, 100% HS lớp 3 bắt buộc học tin học 2 tiết/tuần.

Năm học này, tin học là môn học tự chọn ở cấp tiểu học (TH) và THCS, nhưng nhiều trường TH vẫn khó xử  bởi học sinh (HS) muốn học nhưng điều kiện trường lại khó khăn. Trong khi đó, từ năm học 2021 - 2022, 100% HS lớp 3 bắt buộc học tin học 2 tiết/tuần.


Có nhu cầu, nhưng trường khó khăn


Chúng tôi tới lớp 3/4 Trường TH Cam Đức 1 (huyện Cam Lâm) đúng giờ tin học. Không khí học rất hào hứng. Một số em sử dụng con chuột để vẽ tranh trên máy tính khá thành thạo. Em Nguyễn Nhật Song Thư vui vẻ cho biết: “Ở nhà, ba cũng chỉ cho con một số thao tác trên máy tính nên đến trường con làm nhanh hơn, nhưng học ở nhà không vui bằng học cùng các bạn. Con mong được tiếp tục học tin học”.  

 

Giờ tin học tại Trường Tiểu học Cam Đức 1.

Giờ tin học tại Trường Tiểu học Cam Đức 1.


Trường TH Cam Thành Bắc thì chưa tổ chức dạy tin học. Chị Nguyễn Thị Trang (phụ huynh HS lớp 4/3) nói: “Tôi nghe nói nhiều trường đã cho HS học tin học từ lớp 3, còn con tôi đã học lớp 4 nhưng vẫn chưa được học, dù cháu rất thích công nghệ thông tin”. Chị Nguyễn Lê Bích Trâm (phụ huynh HS lớp 1/1) khẳng định: “Nếu nhà trường kêu gọi xã hội hóa, tôi sẵn sàng đóng góp để con được làm quen với tin học từ lớp 3”.


Cô Võ Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường TH Cam Đức 1, trường TH duy nhất ở Cam Lâm dạy tin học cho biết, trường được đầu tư 20 máy vi tính từ năm 2007, nhưng tới năm 2012, HS cũng chỉ làm quen với tin học do không có giáo viên chuyên. Từ năm học 2012 - 2013 đến nay, trường mới hợp đồng được 1 giáo viên dạy tin học cho 20 lớp từ khối 3 đến khối 5. Theo thời gian, hầu hết máy tính đã hỏng. Trường phải phối hợp với một số phụ huynh mua thêm 4 - 5 máy/năm, đến nay, đã thay mới tổng cộng 30 máy cho phòng học. Nếu duy trì như hiện nay, khi bắt buộc dạy tin học 2 tiết/tuần, trường sẽ gặp khó vì thiếu 1 phòng máy và 1 giáo viên. Về chế độ, giáo viên tin học chỉ ký hợp đồng, 3 tháng hè không được trả lương nên chưa an tâm gắn bó.  


Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2018 - 2019, không tính 2 huyện miền núi, Cam Lâm là huyện có số trường có HS TH được học tin học thấp nhất (1/19 trường). Tuy nhiên, tính về tỷ lệ trường dạy, 2 địa phương khác còn thấp hơn (Ninh Hòa: 2/34 trường; Vạn Ninh: 2/28 trường). Dẫn đầu về số trường triển khai dạy tin học là Nha Trang (31/44), Cam Ranh (15/24).



Cần chủ trương xã hội hóa


Tin học hiện là môn tự chọn ở cấp TH, được dạy cho các lớp 3, 4, 5 học 2 buổi/ngày và có phòng máy từ năm học 2002 - 2003. Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 53 trường có HS TH tổ chức dạy tin học, với 31 phòng máy được trang bị từ kinh phí Nhà nước và 22 phòng máy từ nguồn người dân ủng hộ. Trong 55 giáo viên đang dạy tin học, có 28 giáo viên biên chế, 19 giáo viên hợp đồng và 8 giáo viên thỉnh giảng. Trong khi đó, theo lộ trình, đến năm học 2021 - 2022, phải đảm bảo cơ sở vật chất cho 100% HS lớp 3 bắt buộc học tin học 2 tiết/tuần và đến năm học 2023 - 2024, 100% HS từ lớp 3 đến lớp 5 được học tin học.


Tuy nhiên, vì đang là môn học tự chọn, lại chưa có văn bản nào cho phép xã hội hóa, nên việc đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên dạy tin học cấp TH chưa được chú trọng. Các địa bàn khó khăn như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... không thể xã hội hóa phòng máy. Một số phòng máy được trang bị từ kinh phí Nhà nước sau một thời gian đã bị hỏng, cha mẹ HS, tổ chức, cá nhân phải tự đóng góp để duy trì hoạt động. Một số trường chưa có phòng Tin học để lắp đặt thiết bị hoặc không còn đất để xây phòng học tin học. Giáo viên dạy cũng thiếu.


Ông Võ Bá Phụng - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cam Lâm thừa nhận, nhu cầu học khá nhiều, việc đầu tư trang thiết bị, phòng học lớn, nhưng nguồn lực cho giáo dục hàng năm còn hạn hẹp, lại chưa có chủ trương xã hội hóa trong dạy tin học. Để thực hiện lộ trình dạy học tin học bắt buộc ở cấp TH, phòng sẽ tham mưu UBND huyện dành kinh phí đầu tư theo lộ trình, đồng thời xin chủ trương xã hội hóa đầu tư phòng máy theo cách: xã hội hóa ở những vùng thuận lợi trước và xin Nhà nước hỗ trợ ở những vùng khó khăn.


Ông Hà Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị đổi mới chương trình đối với môn Tin học, phòng tham mưu sở đề nghị UBND tỉnh trang bị phòng máy vi tính theo hướng: ở địa bàn khó khăn, Nhà nước trang bị ban đầu, sau đó cho phép thu học phí để duy trì hoạt động; ở nơi thuận lợi, cho phép xã hội hóa. Về giáo viên, UBND cấp huyện cân đối trong số lượng người làm việc do Sở GD-ĐT, UBND cấp huyện xây dựng hàng năm.


T.MAI



 



Theo Quyết định số 698 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, có 80% HS TH được học tin học; đến năm 2020, 100% HS TH được học tin học.


Năm học vừa qua, toàn tỉnh có 53/195 trường có HS TH (chưa tính trường tư thục) tổ chức dạy tin học; tỷ lệ HS lớp 3 đến lớp 5 học tin học chiếm 33,5%. Năm học này, có 62/197 trường có HS TH (đã tính trường tư thục) tổ chức dạy tin học; tỷ lệ HS lớp 3 đến lớp 5 học tin học đạt 39,8%. Cách đây 2 năm học, tỷ lệ này trên toàn quốc đã là 41,3%.