10:07, 04/07/2019

Quy định mới về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 18 (có hiệu lực từ ngày 5-7) hướng dẫn thực hiện Nghị định 139 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trao đổi về vấn đề này, ông Phù Minh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh cho biết:

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 18 (có hiệu lực từ ngày 5-7) hướng dẫn thực hiện Nghị định 139 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trao đổi về vấn đề này, ông Phù Minh Sơn - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh cho biết:


Thông tư 18 có 3 điểm đáng chú ý. Cụ thể, về triển khai xây dựng đơn vị đăng kiểm, thông tư nêu rõ trước khi xây dựng, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm phải thông báo với Cục Đăng kiểm Việt Nam về vị trí xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành và bắt đầu tham gia hoạt động kiểm định. Trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị đăng kiểm phải luôn đảm bảo các điều kiện về nhân lực được quy định tại Nghị định 139 của Chính phủ.

 


Cùng với đó là quy định về nhân lực trong quá trình hoạt động của trung tâm đăng kiểm. Trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị đăng kiểm phải luôn đảm bảo các điều kiện về nhân lực: mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên (ĐKV), trong đó có ít nhất một ĐKV xe cơ giới bậc cao. Có phụ trách dây chuyền kiểm định, mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định. Trên mỗi dây chuyền kiểm định phân công tối thiểu 3 ĐKV thực hiện kiểm tra trực tiếp xe cơ giới trên một dây chuyền kiểm định.


Ngoài ra, các nội dung niêm yết tại đơn vị đăng kiểm cũng được chú trọng: tại phòng chờ dành cho khách hàng phải được niêm yết các nội dung về quy trình kiểm định, biểu mức thu giá, phí, lệ phí, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (nếu có). Trong xưởng kiểm định phải được niêm yết các nội dung: quy định về an toàn lao động và phòng cháy chữa cháy; nội quy sử dụng thiết bị kiểm tra; nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiếm khuyết, hư hỏng.


- Thông tư 18 có đề cập đến tiêu chuẩn của ĐKV, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?


- Từ ngày 1-7, các ĐKV xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận ĐKV xe cơ giới trước ngày 1-7-2016 phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 139; trong đó, phải có kết quả được đánh giá đạt yêu cầu nghiệp vụ, có giấy phép lái xe ô tô còn hiệu lực.


Trong suốt quá trình giữ hạng (ĐKV và ĐKV bậc cao), các ĐKV phải tham gia tập huấn cập nhật, bổ sung nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật có liên quan và tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác kiểm định xe cơ giới.


Đối với ĐKV được thực hiện kiểm tra cả 5 công đoạn kiểm định xe cơ giới có nhu cầu tập huấn nghiệp vụ bậc cao sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn các nội dung về văn bản pháp lý, nghiệp vụ kỹ thuật chuyên sâu, các chuyên đề khuyến nghị của Tổ chức kiểm định ô tô quốc tế trong công tác kiểm định, an toàn giao thông và giám định tai nạn giao thông đường bộ; các yêu cầu về hướng dẫn thực tập nghiệp vụ ĐKV xe cơ giới.


Đối với nhân viên nghiệp vụ (nhận, trả, quản lý hồ sơ...) tại đơn vị đăng kiểm, trình độ tối thiểu phải tốt nghiệp trung cấp nghề và được tập huấn, có chứng chỉ hoàn thành tập huấn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.


Theo quy định, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phải là ĐKV xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của ĐKV tối thiểu 36 tháng, được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. Đơn vị đăng kiểm có trách nhiệm báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam khi có thay đổi về số lượng ĐKV, phụ trách dây chuyền, lãnh đạo đơn vị.


- Xin cảm ơn ông!


MẠNH HÙNG (Thực hiện)