21:54, 24/11/2023

Làng Vinh Huề thuở ấy...

MAI LINH

Ký ức tuổi thơ luôn là ký ức đẹp nhất trong đời mỗi chúng ta, ai ai khi lớn lên, trưởng thành, xa quê hương đều muốn “xin một vé về tuổi thơ”, về nơi “chôn nhau cắt rốn”… Với tôi, mỗi khi nhớ về ba mẹ đã đi xa, ký ức tuổi thơ trong tôi lại trở về mãnh liệt hơn, nỗi nhớ nhung về quê nội lại dạt dào bờ bến.

 

Cái tên ấy đã in sâu trong tâm trí tôi từ thuở bé - làng Vinh Huề (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh), một làng quê yên bình, được bao bọc bởi những khóm tre già, đồng lúa chín, ở giữa là con đường làng quanh co, hai bên là những ngôi nhà cách nhau chiếc hàng rào bằng những bụi cây râm bụt chứ không phải bằng dây thép gai hay tường xây bằng gạch như bây giờ.

Sinh ra trong một gia đình có 5 anh chị em là một điều hạnh phúc với tôi. Tôi đã có một tuổi thơ trọn vẹn với hai anh trai và hai chị gái. Ngày đó, tôi được ở trong ngôi nhà 3 thế hệ, có ông bà nội, có ba mẹ và anh em chúng tôi. Tờ mờ sáng như mọi ngày, tiết trời còn đang se se lạnh thì lũ gà trống ngoài vườn đã gáy vang đánh thức mọi người trong làng dậy, nhưng đa số chỉ là người lớn phải ra đồng, còn đám con nít chúng tôi thì được cưng chiều ngủ nướng thêm tí nữa. Có những hôm cuối tuần không phải đến trường, anh em chúng tôi cũng háo hức theo ba mẹ ra đồng cày cấy. Lương giáo viên thời ấy không đủ nuôi mấy miệng ăn nên ba mẹ phải cày thêm mấy sào ruộng. Nói là ra đồng chứ chỉ có 3 anh chị lớn phụ giúp được ba mẹ, còn hai anh em tôi lẽo đẽo theo sau để ngắm nghía cảnh vật sớm mai, chốc chốc rủ nhau bắt dế, chuồn chuồn và chơi những trò ngây ngô thời bé: Để chuồn chuồn cắn rốn rồi khóc vì đau hoặc đặt “chiến lợi phẩm” là 2 chú dế cồ vừa bắt được vào một chiếc lon cũ kỹ rồi hét hò cổ vũ.

Tuổi thơ của chúng tôi là những buổi trưa hè không ngủ, lén ba mẹ rủ nhau đi tắm sông, tắm suối, chạy về khóc tu tu khi bị đỉa đu tự lúc nào không hay, rồi sẽ được bà dỗ dành và cầm máu bằng miếng nón lá. Hay những buổi chiều đám trẻ con trong xóm rủ nhau kéo mo cau chạy quanh sân, rồi bị anh chị kéo ngã đau lại chạy về mách mẹ. Tối đến, chúng tôi lại tụ tập đám trẻ trong xóm chơi trốn tìm, hò hét hụt hơi với trò chơi u mọi kéo rách cả áo mẹ dành dụm tiền lương ít ỏi hàng tháng để mua cho anh chị lớn và mấy đứa em tiếp sau mặc bính.

Bọn trẻ con chúng tôi ngày đó chơi vô tư, hồn nhiên như thế.

Gợi nhớ về tuổi thơ của anh em tôi, không thể nào quên được kỷ niệm những lần nhà có đám giỗ, đám tiệc thì ngồi canh người lớn làm gà vịt, góp tay phụ nhổ vài cái lông to xong rồi gom hết vào nia để chờ tiếng rao của cô chú trên chiếc xe đạp cút kít “ai lông gà lông vịt, nhôm nhựa, dép đứt hông” là te te chạy ra đổi mớ lông gà lông vịt thu hoạch được để lấy những que kem đá, sao kem ngày đó ngon đến lạ! Nói đến đổi dép nhựa lấy kẹo kéo thì ôi thôi, thời đó sao đôi dép bền bỉ quá, phải chạy nhảy lê lết nhiều cho nó nhanh đứt rồi xin mẹ mua dép mới, còn đôi dép đó trở thành món đồ để đổi lại những que kẹo kéo thơm, dẻo đặc trưng của tuổi thơ miền quê, khác hẳn với kẹo kéo cưng cứng thời nay được gói kỹ càng trong màng bọc ni-lông.

 

Bọn trẻ nhà quê chúng tôi dần lớn lên như thế đó, lớn lên với những ngày đuổi bắt nhau ngoài đồng vào mùa gặt; lớn lên với những trò chơi thuở bé; lớn lên qua những câu chuyện của ông bà vào những đêm trăng rằm trải chiếu ngoài sân; lớn lên qua lời mẹ hát, bà ru, ba dạy bảo… 

Hôm nay nhẹ bước trên con đường làng thân thuộc để nghe lòng mình như được trở lại với tuổi thơ ngọt ngào mùi lúa mới. Con đường làng bây giờ thiếu mất hình dáng của nội, của ba mẹ, cảm thấy cay xè nơi khóe mắt.

Giờ đây, làng Vinh Huề quê tôi đã đổi thay nhiều với nhà mái ngói khang trang hơn, nền lót gạch bông thay cho nền đất, xi măng mát lạnh, điện cũng đã về làng thắp sáng đường quê… nhưng khung cảnh ruộng đồng vẫn còn đó, tình làng nghĩa xóm vẫn đong đầy. Vào dịp cuối tuần hay những lần có giỗ, tôi thường đưa các con về quê nội hít hà mùi quê hương, đùa vui trong các trò chơi bắn bi, đuổi bắt, nhảy lò cò… và thả mình vào dòng suối mát lạnh cùng các anh chị để cảm nhận được điều tuyệt vời của tuổi thơ miền quê. Và tự hào rằng, quê hương của mẹ, của các con đó!

MAI LINH