12:05, 16/05/2015

Nhà văn Cao Duy Thảo: Chiến tranh cách mạng là đề tài không bao giờ cũ

"Khác với các nhà văn phương Tây đi vào chiến tranh với tư cách khá khách quan, chúng tôi đi vào chiến tranh với tâm thế của người lính. Hay nói cách khác, nhà văn đồng thời là chiến sĩ, vừa cầm súng vừa cầm bút, tự nguyện làm người lính tuyên truyền, dùng tác phẩm để vận động quân dân đánh giặc…".

“Khác với các nhà văn phương Tây đi vào chiến tranh với tư cách khá khách quan, chúng tôi đi vào chiến tranh với tâm thế của người lính. Hay nói cách khác, nhà văn đồng thời là chiến sĩ, vừa cầm súng vừa cầm bút, tự nguyện làm người lính tuyên truyền, dùng tác phẩm để vận động quân dân đánh giặc…”. Đó là những lời mở đầu của nhà văn Cao Duy Thảo khi chia sẻ về văn học chiến tranh cách mạng.  


- Thưa nhà văn, từng sống và viết ở chiến trường khu V trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, ông có nhận xét gì về văn học cách mạng Việt Nam?


- Về tổng thể, văn học viết về chiến tranh cách mạng Việt Nam có 2 giai đoạn: trong những năm chiến tranh và khi đất nước đã hòa bình. Nhìn chung, các tác phẩm viết trong những năm chiến tranh có âm hưởng lạc quan, hào hùng đầy khí thế, ít đề cập đến sự đau thương mất mát, sự băn khoăn của cá nhân trước thời cuộc. Các tác phẩm thời kỳ này đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn chỗ phiến diện. Một số tác phẩm đứng lại được với thời gian như Hòn đất (Anh Đức), Người mẹ cầm súng (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)... là nhờ vào tài năng của tác giả chứ chưa phải là sự đổi mới trong cách viết về đề tài chiến tranh cách mạng.


Sau năm 1975, văn học viết về chiến tranh cách mạng đã có sự đổi mới rõ nét. Các nhà văn đã nhận thức lại cái đã qua, họ đòi hỏi văn học phải phản ánh chiến tranh một cách rõ ràng, toàn diện hơn, cả mặt tích cực và tiêu cực, để thấy rằng chiến thắng của dân tộc ta là vĩ đại nhưng không hề dễ dàng. Bên cạnh những sáng tác theo lối cũ, một số nhà văn đã có những tác phẩm phản ánh chiến tranh như nó vốn có, khai thác mặt trái của tấm huy chương, tiêu biểu như: Không phải trò đùa (Khuất Quang Thụy), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)...


Những năm gần đây xuất hiện nhiều nhật ký chiến trường như Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký chiến trường (Chu Cẩm Phong), Nhật ký Đặng Thùy Trâm... Đây là những trang viết cá nhân, không có ý định xuất bản nên rất khách quan, trung thực, trong đó có những suy tư, trăn trở và cả những phút “yếu lòng” rất con người. Những tác phẩm này cho thấy, việc đổi mới của văn học viết về chiến tranh sau hòa bình là một sự thay đổi tất yếu.


- Có ý kiến cho rằng, tuy đã có những thành tựu nhưng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam còn thiếu những tác phẩm ngang tầm cuộc chiến, ông nghĩ sao về điều này?


- Theo tôi, ý kiến đó hoàn toàn xác đáng. 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ của đất nước ta là một trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại nhất lịch sử nhân loại. Thế nhưng đến nay, khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nền văn học của chúng ta vẫn chưa có nhiều tiểu thuyết có tiếng vang như Nỗi buồn chiến tranh, đó thật sự là điều đáng suy nghĩ.


Nguyên nhân của hạn chế này có mặt khách quan lẫn chủ quan. Nền văn học của chúng ta không thiếu tài năng nhưng các nhà văn không cho phép mình đứng trên cuộc chiến, đứng ngoài cuộc chiến nên tầm nhìn của họ phần nào bị hạn chế; phần khác nữa là khi đó, họ không có điều kiện để viết những tác phẩm dài hơi. Bên cạnh đó, các nhà văn không giữ cảm hứng được lâu, không kiên định với lựa chọn của mình nên rất ít có những tác phẩm đồ sộ mang tính sử thi như Chiến tranh và hòa bình...


Lớp nhà văn từng sống ở chiến trường như chúng tôi phần lớn đã già, sức sáng tác không còn nhiều. Tôi hy vọng lớp nhà văn trẻ sẽ tiếp bước, có những tác phẩm lớn về đề tài này. Tuy nhiên, theo dõi văn học trong nước, tôi thấy các tác giả trẻ không mấy mặn mà về đề tài chiến tranh cách mạng. Trong số các cây bút trẻ, tôi thấy Nguyễn Ngọc Tư viết về chiến tranh rất hay qua tác phẩm Ngọn đèn không tắt, nhưng sau này cô chỉ chuyên những sáng tác về nông thôn Nam Bộ đương thời. Tôi hy vọng, rồi đây khi vốn liếng đủ dày, cây bút này sẽ quay trở lại với đề tài chiến tranh cách mạng, bởi đây là đề tài không bao giờ cũ.


- Tiểu thuyết “Chim bay về núi” (giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm Bộ Quốc phòng) được đánh giá là có những nét mới. Nhà văn có thể chia sẻ thêm thông tin về tác phẩm này?


- Tiểu thuyết “Chim bay về núi” lấy bối cảnh ở An Nhuệ - một vùng đất của miền Trung trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ. Nhân vật chính trong truyện là Ngàn, cô gái có tinh thần cách mạng, trước sự đàn áp của chế độ Ngô Đình Diệm, Ngàn vẫn luôn tìm mọi cách để liên lạc với tổ chức của Đảng, góp phần từng bước gầy dựng cơ sở cách mạng tại địa bàn. Rồi từ một cô giao liên hoạt động hợp pháp, sau khi An Nhuệ đồng khởi, Ngàn đã thoát ly, trực tiếp tham gia kháng chiến với bao gian truân, thử thách cả về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí có lúc, Ngàn bị tổ chức nghi ngờ hoạt động cho địch, bi quan đến mức tưởng chừng không vượt qua được, nhưng cuối cùng cô vẫn trụ vững để hoàn thành nhiệm vụ...


Trong tác phẩm này, tôi đã cố gắng phản ánh sự đa dạng của chiến tranh. Ở đây có lòng kiên trung bất khuất xen lẫn sự mềm yếu trước kẻ thù, có niềm vui chiến thắng xen lẫn sự hy sinh, mất mát. Đặc biệt, tôi đã dành khá nhiều trang để nói về những mâu thuẫn không cần thiết do sự non yếu, lệch lạc của một số nhân vật có vai trò quan trọng trong đội ngũ cán bộ, dẫn đến những mất mát không đáng có. Chính điều này đã góp phần làm cho bức tranh phản ánh về chiến tranh thêm trung thực, đa dạng...


Cũng cần nói thêm, cuốn tiểu thuyết này được khởi đầu từ một hồi ký dang dở. Chuyện là, cách đây nhiều năm, tôi có ý định viết hồi ký cho chị Mười Minh (nguyên Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa), một chiến sĩ cách mạng kiên trung từng hoạt động ở khu V. Tuy nhiên, được khoảng 1/3 chặng đường, vì lý do riêng nên chúng tôi đành bỏ dở. Từ đó, tôi đã vận dụng thêm vốn sống của những năm tháng ở chiến trường khu V, hư cấu thêm các nhân vật, tình tiết để viết nên Chim bay về núi. Ngoài nhân vật Ngàn là “bóng dáng” của chị Minh, tôi đã gửi gắm rất nhiều tình cảm, suy nghĩ qua nhân vật Trung, một chiến sĩ cách mạng xuất thân từ tầng lớp tư sản. Tôi muốn lý giải rằng, người đi theo cách mạng là vì yêu nước, vì lý tưởng chứ không phải chỉ là sự thù hằn giai cấp, vì bị đói nghèo.


- Cảm ơn nhà văn!


XUÂN THÀNH (Thực hiện)