13:46, 01/10/2023

Tình hình giải quyết biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2013 - 2020

Công tác phân giới cắm mốc và chuyển vẽ bản đồ

Năm 2013, theo đề nghị của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ hai nước đã giao Ủy ban liên hợp trao đổi, thống nhất bổ sung thêm 1526 cột mốc phụ, 210 cọc dấu để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Campuchia; tiếp tục thực hiện MOU năm 2011 và áp dụng mô hình MOU để hoán đổi đất ở các khu vực tồn đọng có sự quản lý, canh tác quá sang phần đất của nhau so với đường biên giới đã thống nhất kết quả rà soát việc chuyển vẽ; và tiếp tục triển khai công tác PGCM trên thực địa và lập hồ sơ PGCM liên quan.

Từ năm 2013 - 2018, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác xác định, cắm mốc phụ và cọc dấu để làm rõ thêm hướng đi của đường biên giới trên thực địa; lập và kiểm tra nghiệm thu toàn bộ hồ sơ phân giới, cắm mốc liên quan; phối hợp hoàn thiện bộ bản đồ địa hình biên giới tỷ lệ 1/25.000 và thể hiện thành quả phân giới, cắm mốc lên bộ bản đồ này; cùng với đó là xây dựng văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới, cắm mốc đã đạt được.

Tới năm 2016, kết quả PGCM đã đạt được khoảng 83% (nhưng chưa cắm mốc phụ và cọc dấu), cụ thể là: hai Bên đã cắm 312/371 cột mốc chính được cắm trên thực địa (trong đó gồm cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, cột mốc cuối cùng trên đường biên giới đất liền số hiệu 314, 10 cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10 cặp cửa khẩu quốc tế và hầu hết các cột mốc tại các cặp cửa khẩu chính, nơi có đường giao thông lớn qua lại…); phân giới được khoảng hơn 1000km chiều dài đường biên giới; hoàn thành hoán đổi đất tại 06 cặp tỉnh biên giới (gồm: Tây Ninh - Tboung Khmum, Tây Ninh - Svay Riêng, Đồng Tháp - Prey Veng, An Giang-Takeo, Kiên Giang - Takeo và Kiên Giang - Kampot).

Từ cuối năm 2016, Việt Nam và Campuchia triển khai đồng loạt việc cắm mốc phụ, cọc dấu bổ sung trên thực địa, lập và hoàn thiện hồ sơ PGCM liên quan; đồng thời, tiếp tục trao đổi nhằm giải quyết các đoạn biên giới còn tồn đọng chưa PGCM. Tới cuối năm 2017, công tác cắm mốc phụ, cọc dấu trên thực địa và lập hồ sơ PGCM đạt được những kết quả khả quan, việc hoàn thiện bộ Bản đồ địa hình biên giới Việt Nam - Campuchia thể hiện kết quả PGCM cũng có những tiến triển tích cực.

Tháng 4/2018, phía Việt Nam hoàn thành việc xây dựng mốc phụ, cọc dấu do Việt Nam phụ trách; tháng 11/2018, phía Campuchia hoàn thành việc xây dựng mốc phụ, cọc dấu do phía Campuchia phụ trách.

Đến đầu năm 2018, hai Bên đã hoàn thành phân giới trên thực địa được khoảng 1.045km/1.258km chiều dài đường biên giới, cắm 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí, trong đó có 315 cột mốc chính tại 264 vị trí, 1.511 cột mốc phụ tại 1.068 vị trí và 221 cọc dấu, trung bình gần 700m có một cột mốc hoặc cọc dấu.

Thành quả này tương ứng với khoảng 84% khối lượng công việc PGCM trên toàn tuyến, Việt Nam đã chủ động cùng Campuchia triển khai xây dựng các văn kiện pháp lý để ghi nhận kết quả PGCM, bảo đảm tính pháp lý vững chắc cho đường biên giới đã xác lập trên thực địa.

Pháp lý hóa thành quả phân giới, cắm mốc

Ngày 31/3/2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước, hai bên đã ký Biên bản ghi nhận dự thảo khung của Hiệp ước bổ sung liên quan tới việc điều chỉnh đường biên giới ở các khu vực hoán đổi đất và Nghị định thư ghi nhận thành quả PGCM đã đạt được.

Ngày 05/10/2019, tại Hà Nội, đại diện có thẩm quyền của hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý nhằm ghi nhận thành quả PGCM biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được (khoảng 84%), cụ thể là:

- Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen ký “Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” ghi nhận việc điều chỉnh đường biên giới tại một số khu vực so với đường biên giới đã được hoạch định theo Hiệp ước hoạch định 1985 và Hiệp ước bổ sung 2005 thông qua việc thực hiện hoán đổi đất.

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia Lê Hoài Trung và Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới, Chủ tịch Ủy ban liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Campuchia - Việt Nam Var Kim Hong thừa ủy quyền ký “Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia” ghi nhận và pháp lý hóa thành quả PGCM đã đạt được tính tới thời điểm ký Nghị định thư.

Sau Lễ ký, các cơ quan liên quan của mỗi nước đã khẩn trương tiến hành các thủ tục nội bộ về việc phê chuẩn hai văn kiện pháp lý và đến nay hai văn kiện đã được Cơ quan quyền lực cao nhất của hai nước phê chuẩn; đồng thời, ngày 01/8/2020, tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, Việt Nam và Campuchia cũng đã tổ chức Lễ giao nhận 500 bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền tỉ lệ 1/25.000 thể hiện thành quả PGCM mà hai nước đã đạt được, trong đó, phía Việt Nam giữ 230 bộ bản đồ tiếng Việt - Khmer và 20 bộ tiếng Khmer - Việt, phía Campuchia giữ 230 bộ tiếng Khmer - Việt và 20 bộ tiếng Việt - Khmer.

Ngày 22/12/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn đã đồng chủ trì Lễ trao đổi Văn kiện Phê chuẩn hai văn kiện pháp lý bằng hình thức trực tuyến. Như vậy, hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia ký ngày 05/10/2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 22/12/2020./.