09:02, 29/02/2012

“Tắc” ở khâu kết nối thị trường

Vài năm trở lại đây, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa bắt đầu sản xuất lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị cho hạt gạo.

Vài năm trở lại đây, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa bắt đầu sản xuất lúa chất lượng cao (CLC) nhằm nâng cao giá trị cho hạt gạo. Tuy nhiên, “đầu ra” của sản phẩm nhanh chóng gặp khó do tâm lý người tiêu dùng chưa quen sử dụng gạo CLC, khiến nông dân không còn mặn mà với các giống lúa này. Làm thế nào để tháo gỡ thế bế tắc khi nhu cầu về gạo CLC, gạo đặc sản là rất lớn trong điều kiện tỉnh đang phát huy lợi thế du lịch?

. Khó tiếp cận

Với diện tích chuyên canh lúa khoảng 20.000ha, Khánh Hòa tuy không có nhiều diện tích sản xuất cây lúa nhưng cũng đủ đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp một phần ra bên ngoài, đặc biệt khi có “sốt” giá. Thu nhập của nông dân cũng vì thế mà dừng lại khi canh tác các giống lúa thường, cho dù quy trình kỹ thuật đã cơ bản. Nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, vài năm trở lại đây, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã đưa các giống lúa CLC vào đồng ruộng Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến nay, việc sản xuất lúa CLC vẫn gặp nhiều khó khăn do “đầu ra” không suôn sẻ. Cũng vì lý do đó, các đơn vị không dám “nhập” giống CLC thuộc top đầu bởi lo ngại tâm lý tiêu dùng của người dân sẽ ảnh hưởng đến “đầu ra”.

Lúa CLC là giống lúa có những đặc tính ưu việt, nổi trội về chất lượng. Gạo CLC ngon, cơm mềm, thơm, dẻo, bởi vậy, lúa CLC thường có giá cao hơn lúa thường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nhưng khi đưa những loại lúa này ra thị trường lại luôn vấp phải sự phản ứng. Tư thương viện đủ lý do để ép giá. Đã có nhiều giống lúa ngon phải bán bằng giá lúa thường. Điều này đã làm nản lòng nông dân - những người chắt chiu bao công sức làm nên hạt gạo. Tuy nhiên, về phía tư thương cũng có cái khó khi mà họ “chào hàng” gạo mới chưa chắc được thị trường chấp nhận, đặc biệt khi loại gạo đó chưa được “trải nghiệm” qua thời gian.

Muốn sản xuất lúa CLC để tăng thu nhập thì lại bị thị trường nhũng nhiễu; do đó, nông dân đành quay lại trồng lúa thường, tuy giá không cao nhưng dễ bán. Và cái vòng luẩn quẩn lại đeo bám nông dân. Tạo đột phá cho khâu kết nối thị trường chính là yếu tố quyết định để nông dân được lợi. Nhưng ai sẽ làm việc đó?

. “Giải bài toán” cho nông dân

Thực tế, nhu cầu gạo CLC không phải là không có, thậm chí còn là rất lớn, nhất là trong bối cảnh Khánh Hòa đang phát triển du lịch mạnh mẽ với hàng trăm khách sạn, nhà hàng từ cao cấp đến bình dân. Nếu có người đứng ra làm môi giới, giới thiệu các đặc sản của Khánh Hòa với du khách, chắc rằng có thể mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa gạo trong tỉnh cũng như thay đổi “hương vị của bàn ăn”. Một số thông tin gần đây cho thấy, khách du lịch thích sử dụng những thực phẩm được trồng thân thiện với môi trường, thực phẩm hữu cơ. Mới đây, Cà Mau trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước có sản phẩm được chứng nhận gạo hữu cơ và được ký hợp đồng xuất khẩu ra nước ngoài. Giá của loại gạo này gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với gạo thường. Việc tạo thương hiệu cho lúa gạo không phải quá khó khăn nếu được các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cùng “xắn tay” giúp nông dân.

Hiện nay, người có thể làm được điều đó chính là các nhà quản lý và các doanh nghiệp, nhưng đi đầu phải là nhà quản lý. Đầu tiên, cơ quan phụ trách Nông nghiệp và Thương mại phối hợp tìm hiểu những loại gạo ngon trên thị trường của tỉnh, lập kế hoạch giới thiệu, quảng bá, mời nhà hàng, khách sạn, siêu thị trong tỉnh đến dự hội thảo giới thiệu các loại gạo ngon, gạo cao cấp, gạo đặc sản trong tỉnh (có thể xây dựng các phóng sự về quy trình sản xuất, chất lượng lúa, gạo ngon). Các đơn vị tiêu thụ sẽ cung cấp nhu cầu, yêu cầu và cách thức trao đổi, thanh toán. Khi đã có nhu cầu, nhà quản lý cung cấp sản phẩm cho các đơn vị tiêu thụ thử và hẹn sau một thời gian sẽ có cuộc gặp gỡ lần hai. Lúc này, các đơn vị tiêu thụ đã có ý kiến phản hồi của khách hàng về chất lượng, nhu cầu, từ đó cơ quan quản lý xúc tiến việc sản xuất và nhân rộng mô hình.

Việc sản xuất các giống CLC hay lúa đặc sản không quá khó với nông dân. Nếu có được những hợp đồng từ các đơn vị tiêu thụ, tỉnh sẽ có kế hoạch sản xuất đảm bảo yêu cầu cả về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến, giao hàng… Tỉnh chọn đơn vị nào là dựa vào các yếu tố năng lực như: diện tích, thổ nhưỡng, quy mô, trình độ thâm canh…, và từ đó có kế hoạch nhân rộng. Với cách thức đó, có thể việc giải quyết “đầu ra” cho sản xuất lúa CLC sẽ được khai thông và có nhiều triển vọng.

Q.V