E-magazine: Nông dân phấn khởi, lạc quan
.
16:06, 13/01/2024

E-magazine: Nông dân phấn khởi, lạc quan

 

Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và cán bộ, hội viên, nông dân được tổ chức vào chiều 12-1, hàng trăm cán bộ, nông dân, đại diện cho trên 133.000 hội viên, nông dân toàn tỉnh đều vui mừng trước những thành quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2023. Nông dân tin tưởng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và nỗ lực của toàn dân, kinh tế xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2024.

 
Ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu tại Hội nghị

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân tình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân - Chủ trì hội nghị đã trao đổi với nông dân trong tỉnh về những dấu mốc đáng nhớ mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân Khánh Hòa đã đạt được trong năm 2023. Bên cạnh đó còn là trăn trở, hạn chế mà tỉnh và nhân dân phải cùng nhau tập trung tháo gỡ, khắc phục trong năm 2024 này.

Khánh Hòa có thế mạnh ở một số nông sản có tính đặc trưng, đặc hữu. Yến sào, trầm hương, tôm hùm, hải sản, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi sẻ… vốn đã quen tên. Gần đây hơn, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện những sản phẩm mới, như: rong nho, xáo tam phân, các loại nấm... Đặc biệt, nông nghiệp Khánh Hòa đã từng bước chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn, có sự đoàn kết, thống nhất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, chi – tổ hội nghề nghiệp mà phần lớn trong số đó do hội nông dân các cấp thành lập. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, VietGAP, GlobalGAP… ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Nông thôn ngày càng xanh tươi, trong lành và đáng sống hơn.

“Giữa những thế mạnh đó, không thể không nhắc đến những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm và những đóng góp to lớn của người nông dân” - ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, đầu ra nông sản vẫn chưa thực sự thông thoáng; các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch chưa phát triển xứng tầm; các giá trị gia tăng cho nông sản vẫn còn nhiều dư địa phát triển, cần được khai thác thêm.

 
Sở Du lịch khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng ở Ninh Tây, Ninh Hòa

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tấn Tuân tại hội nghị đối thoại. “Chúng ta có hoa thơm quả ngọt; phong cảnh nông thôn, vườn tược xanh tươi, yên bình và trong lành. Tôi đề nghị nông dân tiếp tục tập trung sản xuất quy mô lớn, sản phẩm làm ra phải chất lượng, quyết tâm làm nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái gắn với đa tầng giá trị. Trong đó đặc biệt là có thể khai thác du lịch thông qua các mô hình nông nghiệp nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân” – ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Về phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề, trang trại cần được thúc đẩy, khuyến khích bằng những giải pháp, chính sách cụ thể. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Du lịch, Hội nông dân tỉnh và các địa phương tập trung rà soát, tham mưu UBND tỉnh tham mưu tỉnh một số chính sách, thậm chí là có tính chất đặc thù nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà nông dân đang gặp phải trong quá trình kết nối giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch.

“Trên diện tích sản xuất rộng lớn, hàng chục hecta không thể không có công trình xây dựng để giúp nông dân cất giữ nông cụ, máy móc. Nông dân cũng cần phải xây kho chứa bảo quản, sơ chế nông sản; làm đường sá nội vùng rộng rãi hơn để xe cộ, máy móc có thể chạy được. Chưa kể để phát triển du lịch tại các vùng sản xuất nông nghiệp phải đi cùng với hạ tầng. Các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tập trung tham mưu tỉnh đối với nội dung này. Làm sao để nông dân khi sản xuất đạt đến quy mô đủ lớn, tuần hoàn, hữu cơ… có thể kết hợp được với du lịch” – Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo và giao Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu tỉnh chính sách cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất, dịch vụ.

Ngoài những vấn đề đã được giải thích, trao đổi tại Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương ghi nhận, tham mưu tỉnh giải quyết những kiến nghị, đề xuất của nông dân tại buổi đối thoại. Các cấp Hội Nông dân nghiên cứu định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân theo hướng hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, định hướng xây dựng giai cấp nông dân phù hợp với phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại…
 

 
 
 

Hiện nay, chính sách hỗ trợ nông nghiệp thông minh và nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân được thực hiện theo Nghị định số 98 ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể: Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị và xử lý môi trường.

 
 
 
 
 
 

Sở được giao nhiệm vụ hỗ trợ tất cả các nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp với điều kiện như sau: Quá trình khởi nghiệp dựa trên các tài sản trí tuệ như: sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc các kết quả nghiên cứu khoa học được cơ quan nhà nước công nhận hoặc dựa trên quá trình chuyển giao, ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, sở sẵn sàng tiếp nhận, tư vấn các vấn đề về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Người dân, doanh nghiệp quan tâm có thể tìm hiểu sâu hơn tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các văn bản liên quan của các bộ ngành, địa phương về triển khai đề án này. Trong đó tại Khánh Hòa, năm 2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Hỗ trợ xây dựng, phát triển và vận hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số nội dung và mức chi thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2023…

 
 
 
 

Để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (số 1927/QĐ-UBND ngày 15/8/2023); Kế hoạch về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025 (số 5664/KH-UBND ngày 12/6/2023); Kế hoạch triển khai thí điểm wifi miễn phí tại nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn (Kế hoạch số 9795/KH-UBND ngày 26/9/2023).

Ngoài ra, hiện nay, 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 7.000 thành viên. Các thành viên của Tổ này hoạt động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử; mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm,… qua đó từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế tại địa phương.

 
 

Năm 2021, tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021  - 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2023, căn cứ nhu cầu, đề xuất thực tiễn từ địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn, xét duyệt và ký hợp đồng thực hiện 2 nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Tỏi Vạn Ninh và Dừa xiêm Vạn Thọ được trồng trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa” và “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Bưởi da xanh, Mía tím được trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa” với mục tiêu đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đồng thời xây dựng mô hình quản lý và triển khai các hoạt động quảng bá, phát triển nhãn hiệu có sử dụng địa danh, góp phần phát triển thị trường, nâng cao giá trị cho các sản phẩm kể trên. Ngoài ra, sở đã tiếp nhận, hiện đang tiến hành các thủ tục để rà soát, xây dựng danh mục nhiệm vụ xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với một số sản phẩm như: tôm hùm, trầm hương...  của huyện Vạn Ninh.

 
 

Theo Nghị định số 55 ngày 9-6-2015 của Chính phủ và Nghị định 116 ngày 7-9-2018 (sửa đổi Nghị định 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại. Ngoài ra, Nghị định 55 bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được vay vốn không có tài sản bảo đảm, bao gồm: các HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 2 tỷ đồng; các Liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ đồng. Lãi suất vay là 4%/năm (ngắn hạn) nếu khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Đến ngày 31-10-2023, dư nợ cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đối với các HTX phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 35,46 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay không tài sản đảm bảo là 1,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, chẳng hạn như cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30 ngày 7-3-2017 của Chính phủ, ngân hàng dành số tiền hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác. Cho vay để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói tín dụng 15.000 tỷ đồng) dành cho khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng từng thời kỳ. Thời gian triển khai đến hết ngày 30-6-2024.  Cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số  với số tiền cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/khách hàng đối với doanh nghiệp, HTX, lãi suất cho vay: bằng 50% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định trong từng thời kỳ
 

Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành trao đổi với nông dân bên lề Hội nghị

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân đề nghị HND các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng đồng hành, hỗ trợ hội viên, nông dân trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh. Tập trung sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Về những chính sách, đề nghị các sở ngành địa phương, các cấp HND cần sâu sát hơn nữa, đảm bảo các chính sách của Nhà nước được nông dân hiểu, nắm bắt, và vận dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của mình. Các địa phương tập trung xây dựng các đề án nông nghiệp quy mô, hiệu quả; các sở ngành, đơn vị liên quan tập trung chăm lo cho đầu ra của nông sản, nhất là nông sản chủ lực, xây dựng thương hiệu nông sản có thể xuất khẩu chính ngạch; các cấp các ngành thúc đẩy nhiều chương trình giáo dục, nông dân mới, hiện đại, văn minh, có trách nhiệm với xã hội, với môi trường, năng động, sáng tạo. 

Bài Viết - Hình ảnh: HỒNG ĐĂNG
Thiết kế E-magazine: MINH KHANG

 

Xem thêm bình luận