E-Magazine: Vùng sâu, vùng xa chờ đón năm học mới
.
21:18, 23/08/2023

E-Magazine: Vùng sâu, vùng xa chờ đón năm học mới

 

Năm học mới đang đến gần, các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang vượt khó để thu hút học sinh (HS) đến trường, làm tốt công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó, các cấp, ngành và trường học đang nỗ lực đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chăm lo cho HS.

 

Sáng cuối hè, sân Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh) ríu ran tiếng HS cười nói. Vừa thấy chúng tôi, các em lớp 8/2 tranh nhau khoe: Trường có cổng mới; sân sau được đổ bê tông; có nhà ăn riêng; có khu phòng học bộ môn; màu sơn tường cũng đổi khác... “Trường đẹp lắm, em rất thích!”, em Mấu Hoàng Nhật My nói. Em Bo Thị Ái Duy khoe: “Khu nội trú được sửa lại đẹp lắm, mấy chỗ la-phông trước bị lủng lỗ cũng không còn, trần mới tinh”... Tại khu phòng học sáng màu tường mới, khẩu hiệu “Trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em” càng thêm nổi bật.

Các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh dọn vệ sinh khu nội trú vừa xây mới.
 

Thầy Lê Văn Nam - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2023 - 2024, trường có 240 HS, 100% là người Raglai thuộc các xã: Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông (Cam Ranh) và Sơn Tân (huyện Cam Lâm). Chuẩn bị cho năm học mới, trường được đầu tư hơn 14 tỷ đồng xây mới 4 phòng bộ môn, nâng cấp khu nội trú, nhà ăn, bếp, công trình vệ sinh, nước sạch và một số công trình phụ trợ khác từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021 đến 2025). Đây là mức đầu tư nâng cấp lớn nhất kể từ khi thành lập trường đến nay.

Các học sinh tại điểm trường Tà Giang 2 (Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn) vừa được xây mới.
 

Thầy và trò điểm trường thôn Tà Giang 2, Trường Tiểu học và THCS Thành Sơn (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) cũng rộn ràng niềm vui trước thềm năm học mới khi điểm trường vừa được xây lại với kinh phí hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Điểm trường giờ đây có 5 phòng học, 1 phòng thiết bị; bàn ghế, bảng viết mới; hệ thống nước sạch cũng đã hoàn thành lắp đặt. Mang con chữ về cho HS DTTS Tà Giang 2 từ những ngày còn khó khăn, thầy Bùi Thanh Trung, giáo viên lớp 5 chẳng thể nào quên hình ảnh điểm trường cách đây hơn 20 năm, khi còn là ngôi nhà nhỏ xuống cấp theo thời gian; khu vệ sinh tạm bợ; không điện, không nước sạch. Khi đó, thầy trò phải mượn thêm nhà cộng đồng thôn để dạy và học vì 5 lớp mà chỉ có 3 phòng. “Ngày trước, việc vận động HS đi học đã khó, việc duy trì sĩ số còn khó hơn... Bây giờ, thầy và trò đều phấn khởi tập trung dọn dẹp cho thật tinh tươm, từng ngày chờ đón lễ khai giảng”, thầy Trung chia sẻ. Cô Phạm Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 1 điểm chính và 3 điểm phụ với tổng cộng 625 HS người Raglai. Từ năm học 2023 - 2024, tất cả 108 HS ở điểm trường Tà Giang 2 sẽ được học 2 buổi/ngày; các em từ lớp 3 trở lên được học môn Tiếng Anh, Tin học theo chương trình mới…

Nhờ nguồn kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng, Trường Mầm non Anh Đào (xã Thành Sơn, Khánh Sơn) giờ đây đã có nhiều đổi khác. Thay vì 3 điểm trường rải rác, trường đã nhập lại 1 điểm trường tại thôn A Pa 1, đủ chỗ học cho gần 300 HS người Raglai. Dự kiến tháng 10, ngôi trường mới sẽ chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju cùng nhóm sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh 2023 của Trường Đại học Nha Trang.

Năm học mới này, khối phòng học của Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju (xã suối Cát, Cam Lâm) cũng được điểm tô màu áo mới, nhờ sự góp sức của nhóm sinh viên tình nguyện Trường Đại học Nha Trang trong chiến dịch Mùa hè xanh 2023. Trong nửa cuối tháng 7, các bạn trẻ tập trung sơn tường, vẽ tranh, dọn dẹp, thiết kế khu vui chơi, tổ chức dạy tiếng Anh, tin học và kỹ năng sống cho các em nhỏ…

3 ảnh trên là: Các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Nha Trang.
 Các em học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên tình nguyện Trường Đại học Nha Trang.
 
 

Bên cạnh niềm vui với điểm trường xây mới, thầy Bùi Thanh Trung còn chút tư lự. Khu nhà công vụ dành cho giáo viên đã xuống cấp nhưng chưa được tu sửa. Một số giáo viên từ đồng bằng lên đây được huyện bố trí ở các nhà công vụ của xã khác. Tuy nhiên, khoảng cách từ nơi ở tới điểm trường xa hơn nhiều, nên việc đi lại của giáo viên khá vất vả. Bên cạnh đó, do đặc thù của xã đặc biệt khó khăn và tập quán sinh hoạt của ĐBDTTS, nhà dân ở cách xa nhau; một số hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em thường theo cha mẹ lên rẫy, chểnh mảng việc học, vì vậy, công tác vận động HS ra lớp rất vất vả. Giáo viên phải đi lại nhiều lần để vận động, nhưng có khi ra lớp được vài hôm, các em lại lên rẫy với cha mẹ. “Để HS đi học chuyên cần, rất cần các hội, đoàn thể và địa phương phối hợp chặt chẽ hơn với giáo viên trong công tác vận động, chăm lo cho HS”, thầy Trung bày tỏ.

Học sinh Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju học Tiếng Anh dịp hè, do sinh viên Trường Đại học Nha Trang giảng dạy.

Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Khánh Hòa - Jeju có 308 HS, 100% là người Raglai. Tuy nhiên, từ năm 2021, theo Quyết định số 433, ngày 18-6-2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, chỉ còn thôn Suối Lau 3 trong danh sách này. Điều đó có nghĩa, chỉ còn khoảng 30% số HS của trường được hưởng chính sách ưu đãi dành cho dân cư ở thôn đặc biệt khó khăn; giáo viên cũng không được hưởng chế độ ưu đãi như trước. Theo cô Võ Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường, điều này ít nhiều làm giảm bớt động lực gắn bó của giáo viên đối với HS DTTS... Còn đối với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Cam Ranh, hiện nay, do trường không còn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi nên chế độ ưu đãi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường chỉ còn được hưởng 70% mức lương và phụ cấp theo Nghị định số 61, ngày 20-6-2006 của Chính phủ quy định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Khánh Hòa được coi là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển miền núi và vùng DTTS. Đến nay, phần lớn các thôn, buôn, làng, xã ở các huyện miền núi đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, THCS. Phần lớn trường học tại vùng ĐBDTTS đều được xây dựng kiên cố, bán kiên cố, không còn tranh tre nứa lá, không còn tình trạng học 3 ca. Số trường tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày tăng lên. Việc tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt trong năm học và trong hè; tổ chức bán trú; triển khai đề án Sữa học đường, trẻ em mầm non, tiểu học 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được uống sữa miễn phí… cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và thu hút HS đến lớp. Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên ngày càng chú trọng đến các nội dung mang tính đặc thù của vùng DTTS. Có thể nói, sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng ĐBDTTS. 

Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn chế nên việc đầu tư cho các cơ sở giáo dục vùng ĐBDTTS vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Một số phòng học ở các điểm trường phụ đã xuống cấp, quy cách phòng học chưa đảm bảo; một số điểm trường còn thiếu phòng chức năng… Trong năm học mới và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ cùng các ngành khác tiếp tục phối hợp khắc phục các khó khăn. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và học bổng cho HS tiểu học là ĐBDTTS cho phù hợp với tình hình thực tế.
 

 

Bài viết - Hình ảnh: THIỀU HOA - HOÀNG NGÂN
Thiết kế emagazine: MINH KHANG

 

Xem thêm bình luận