10:12, 04/12/2016

Xây dựng nông thôn mới ở TP. Nha Trang: Còn nhiều khó khăn

Vừa qua, Thành ủy Nha Trang tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Thành ủy về Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới...

Vừa qua, Thành ủy Nha Trang tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 04 của Thành ủy về Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Lê Đình Trị - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn kiểm tra.


- Qua kiểm tra, đoàn đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện chương trình, thưa ông?


- Toàn thành phố có 8 xã, trong đó có 4 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt 19 tiêu chí xây dựng NTM gồm: Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp và Vĩnh Trung; 2 xã: Vĩnh Phương, Phước Đồng vừa được Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh xét và thống nhất đề xuất UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016; 2 xã còn lại đang tiếp tục phấn đấu, trong đó, Vĩnh Thái còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư và văn hóa); Vĩnh Lương còn 7 tiêu chí chưa đạt: trường học, nhà ở dân cư, hộ nghèo, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự.

 

Kết quả kiểm tra cho thấy, Đảng ủy các xã đã ban hành các nghị quyết về thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015; chỉ đạo UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch, Đề án xây dựng NTM; HĐND các xã đã ban hành nghị quyết triển khai thực hiện. Các địa phương đã thực hiện hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi cho người dân góp phần đáp ứng nhu cầu vốn để tổ chức sản xuất của người dân và các tổ liên kết sản xuất; huy động được một phần nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, đóng góp của người dân (chiếm khoảng 5% tổng nguồn của chương trình) để làm đường giao thông nông thôn, sửa nhà tranh tre dột nát cho các hộ khó khăn.    

 

Một góc xã Vĩnh Thái
Một góc xã Vĩnh Thái


Một số xã đã đạt được những kết quả nhất định: thu nhập của người dân được nâng lên; đường làng, ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa nên việc đi lại thuận lợi, vệ sinh môi trường được đảm bảo; trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần có phần được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm; một số địa phương đã hình thành được một số mô hình sản xuất...


Riêng về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, có 7/8 xã sử dụng đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 thuộc các đồ án quy hoạch đô thị trong khu vực để làm cơ sở cho quản lý về đầu tư xây dựng (riêng xã Vĩnh Phương phải lập quy hoạch NTM). Tuy nhiên, qua kiểm tra nhận thấy, Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xây dựng đồng loạt tại các xã, được thành phố phê duyệt trước quy hoạch nên chất lượng không cao và khi triển khai thực hiện có một số nội dung không phù hợp; chưa xem xét đến tính đặc thù riêng của từng xã; giải pháp thực hiện chỉ thể hiện chung chung, chưa chỉ rõ các giải pháp, cơ chế để huy động nguồn lực thực hiện; sự khớp nối các loại quy hoạch, dự án trên địa bàn còn lúng túng, bị động...


- Theo ông, quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các địa phương còn có những khó khăn, hạn chế gì?


- Hiện nay, các xã đang gặp không ít khó khăn. Đó là, một số địa phương nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị phía tây của thành phố, đang triển khai thực hiện các dự án nên việc tổ chức phát triển sản xuất theo tiêu chí NTM gặp nhiều khó khăn. Việc thu hồi khá lớn diện tích đất nông nghiệp để làm dự án nhưng khi giao đất tái định cư chỉ đủ cất nhà ở nên người dân không có đất để sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập và có khả năng dẫn đến tái nghèo. Đồng thời, việc thực hiện dự án đã làm phá hủy hệ thống kênh mương nội đồng, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới phần diện tích đất nông nghiệp còn lại hiện nay. Vì bị vướng quy hoạch và dự án nên việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân nhiều nơi không được thực hiện, nhất là tại thôn Đồng Rọ và thôn Đất Lành (xã Vĩnh Thái) đã làm ảnh hưởng đến tiêu chí về nhà ở dân cư. Các đơn vị lập quy hoạch, đề án khi tổ chức lấy ý kiến của người dân và của chính quyền xã, đơn vị tư vấn chưa tiếp thu, phản hồi ý kiến của người dân và chính quyền địa phương; nhiều khi có biểu hiện hình thức, hợp thức hóa hồ sơ.


Hiện nay, tiêu chí về giao thông các xã đều đạt. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án đã làm hư hỏng đường giao thông, bụi bặm, ô nhiễm môi trường, người dân đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, tuy các xã đã tổ chức thực hiện việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi… để phát triển các mô hình sản xuất cho các hộ nhưng số hộ được hỗ trợ rất ít nên việc thu hút lao động chưa nhiều, chưa thực sự giải quyết việc làm cho người dân; hình thức tổ chức sản xuất còn đơn điệu, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, giá cả bấp bênh... chưa thật sự hiệu quả để góp phần nâng cao thu nhập, đời sống.


Về tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, hiện nay, các nhà văn hóa - thể thao của xã, nhà văn hóa thôn đều gần như không có kinh phí hoạt động và nội dung hoạt động còn nghèo nàn (chủ yếu làm nơi hội họp, cho thuê dịch vụ đám cưới, sân bóng đá mini...). 7/8 xã đã có quy hoạch chi tiết xây dựng theo hướng phát triển đô thị, tuy nhiên, trong đó không có quy hoạch đất văn hóa - thể thao cho từng xã, thôn nên việc triển khai thực hiện xây dựng nhà văn hóa đa năng và sân thể thao xã chậm hoặc không thực hiện được do vướng quy hoạch.


Về tiêu chí môi trường, tuy đã có 7/8 xã đạt (chỉ còn Vĩnh Lương chưa đạt) nhưng thực chất, việc quản lý môi trường rất khó khăn, các doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải, gây ô nhiễm môi trường; ý thức tự giác của một số người dân chưa cao, còn đổ rác không đúng nơi, đúng giờ quy định... Bên cạnh đó, công tác quản lý địa bàn tại các xã còn gặp nhiều lúng túng như xã Vĩnh Hiệp vừa quản lý địa bàn nhà ở theo tính chất mô hình nông thôn và vừa quản lý các khu chung cư - tính chất đô thị (khu đô thị Vĩnh Điềm Trung); xã không thể quản lý được nên rất khó khăn, ảnh hưởng đến tiêu chí an ninh trật tự; đồng thời việc tổ chức quản lý dân cư tại các khu tái định cư mới còn rất nhiều lúng túng, bất cập.


Chương trình xây dựng NTM là chương trình lớn, tổng thể cần phải huy động cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa thực sự quan tâm sâu sát đến chương trình; phần lớn trách nhiệm tập trung vào Chủ tịch UBND xã và cán bộ phụ trách nên hiệu quả chương trình một số xã chưa cao. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM vẫn chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa cấp ủy và chính quyền có nơi chưa đồng bộ; nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình còn ít, dàn trải và thiếu chủ động; tính chất cấp thiết của một số công trình chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của người dân; tình trạng sử dụng đất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; chậm hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, sự liên kết giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ trên thị trường còn lỏng lẻo, có nơi chưa có; việc triển khai lập các dự án hỗ trợ sản xuất chậm, lúng túng; một số nơi có biểu hiện của tâm lý chủ quan trong việc triển khai chương trình...


- Thưa ông, trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn đã có những kiến nghị, đề xuất gì để việc triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố thuận lợi và hiệu quả?


- Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đoàn kiểm tra của Thành ủy đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, Thành ủy và UBND TP. Nha Trang, đảng ủy các xã. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh sớm phân bổ nguồn vốn hỗ trợ để các xã chủ động triển khai thực hiện các công trình theo tiêu chí NTM; chỉ đạo các đơn vị lập quy hoạch khi lấy ý kiến của người dân và của xã nếu không tiếp thu thì phải báo cáo, phản hồi rõ cho người dân và xã biết để tạo sự đồng thuận cao hơn. Đề nghị tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm việc xả thải của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn xã Vĩnh Phương, Vĩnh Lương. Đồng thời, đề nghị tỉnh tăng kinh phí chi bồi dưỡng cho thành viên Văn phòng Điều phối cấp huyện; có chế độ phụ cấp tương xứng cho cán bộ xã làm công tác NTM vì hiện nay đều là hoạt động kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp. Đối với Thành ủy Nha Trang, đoàn đề nghị Thành ủy xây dựng nghị quyết thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 để UBND thành phố và Đảng ủy các xã có căn cứ triển khai thực hiện. UBND thành phố cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình kinh tế, hình thức sản xuất nông thôn hiện nay cho phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế và đặc điểm của TP. Nha Trang. Bởi vì, xây dựng NTM ở Nha Trang phải gắn chặt với quá trình phát triển đô thị; kinh tế nông thôn Nha Trang không hoàn toàn là thuần nông như các địa phương khác... Có như vậy mới đạt được mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)