09:11, 21/11/2016

Xây dựng nông thôn mới tại Khánh Hòa: Đạt kết quả tích cực

Chiều 21-11, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chiều 21-11, ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về chương trình xây dựng NTM. Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp và làm việc với đoàn.

 

Kết quả khích lệ


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong năm 2014 - 2015, có 22/94 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Trong năm 2016, có thêm 6 xã đang được xem xét công nhận đạt chuẩn NTM, có 2 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 35 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 29 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, trên địa bàn không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

 

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tại Trường Mầm non Ninh Quang
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế tại Trường Mầm non Ninh Quang


Trong quá trình xây dựng NTM, một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2016, sở đã hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, trong đó tập trung cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản; xây dựng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, cây thực phẩm an toàn; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn ban hành đề án đổi mới các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó kiện toàn lại hoạt động, tổ chức của các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua các chính sách hỗ trợ vốn, chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm, xúc tiến thương mại… Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 39/94 xã đạt tiêu chí thu nhập, 28/94 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 90/94 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên…


Cần hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập


Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Ông Trương Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Ninh Quang chia sẻ: “Xã Ninh Quang đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 12-2014 theo bộ tiêu chí cũ. Bây giờ, Trung ương ban hành bộ tiêu chí mới, trong đó đến năm 2020, tiêu chí về thu nhập phải đạt 41 triệu đồng/người/năm là không dễ thực hiện. Bởi Ninh Quang là xã thuần nông, hiện nay, thu nhập bình quân mới đạt 27,3 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ có 700ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa nên rất khó để nâng cao thu nhập”. Địa phương kiến nghị, để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và nhân dân, các ngành, các cấp cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xã mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

 

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế hoạt động của chợ Ninh Quang
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra thực tế hoạt động của chợ Ninh Quang


Trao đổi với đoàn công tác Bộ Công Thương, ông Bùi Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho rằng: “Đối với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập, điều quan trọng là đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, ở thị xã Ninh Hòa có rau sạch Ninh Đông, gạo Ngọc Quang đã có thương hiệu nhưng để vào được siêu thị không phải dễ. Bởi để hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đang là vấn đề khó, cần được hỗ trợ từ ngành Công Thương”.


Phấn đấu năm 2017 có thêm 9 xã đạt chuẩn

 

Thu hoạch lúa đông xuân ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa
Thu hoạch lúa đông xuân ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa

 

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, các sở, ngành rất quan tâm, được cụ thể bằng các nghị quyết, chương trình… Tại Khánh Hòa, việc triển khai xây dựng NTM không chạy theo phong trào, mà đi vào những vấn đề thiết thực để làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…

Ông Lê Tấn Bản cho biết, năm 2017, tỉnh đặt mục tiêu sẽ có thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 37/94 xã (đạt 39,36%); có 11/94 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 24/94 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 22/94 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân của các xã là 14 tiêu chí/xã. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, chỉ đạo, tỉnh cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc quá trình xây dựng NTM ở các địa phương. Đồng thời, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu trực tiếp phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tích cực vận động người dân tham gia vào quá trình xây dựng NTM…

 

Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: Kết quả xây dựng NTM của Khánh Hòa thời gian qua rất tích cực, đạt cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng NTM là một hành trình chứ không phải là đích đến; qua mỗi giai đoạn thì các tiêu chí cũng được nâng cao về chất lượng, phù hợp với sự phát triển chung của xã hội; mỗi tiêu chí khi triển khai sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định. Vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh cần có cách làm mới, có lộ trình phù hợp để đạt được nhiều kết quả cao hơn.

Dự kiến, nguồn vốn phân bổ cho chương trình NTM trong năm 2017 hơn 575 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách tỉnh hơn 257 tỷ đồng. Việc phân bổ ngân sách cho các xã xây dựng NTM phải được xác định theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các xã đạt chuẩn NTM trong năm 2017 và ưu tiên đầu tư cho 20 xã nghèo thuộc 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như: hạ tầng khu sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp tập trung, kênh mương nội đồng do xã quản lý, đường giao thông nội đồng; công trình nước sạch nông thôn, xử lý chất thải, thoát nước thải khu dân cư. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, tỉnh sẽ huy động các nguồn vốn lồng ghép để thực hiện chương trình như: chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình phát triển nguồn nhân lực…; nguồn vốn từ các chương trình, dự án có mục tiêu do Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu, đường giao thông, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi…

 

Các thành viên đoàn công tác Bộ Công Thương cho biết, về tiêu thụ nông sản, bộ đang xây dựng các mô hình để liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện nay, Khánh Hòa đã có nhiều xã đạt các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên theo bộ tiêu chí cũ, nhưng nếu so với bộ tiêu chí mới áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020 thì vẫn chưa bền vững. Vấn đề đặt ra, các xã đã đạt chuẩn để được công nhận lại theo bộ tiêu chí mới cần phải có giải pháp để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững… Muốn vậy, bên cạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, cần quan tâm hơn nữa đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại ở các địa phương xây dựng NTM.


HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG