05:02, 03/02/2016

Một lòng kiên trung theo Đảng

Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng, các thế hệ đảng viên mãi giữ vẹn nguyên lời thề trọn đời theo Đảng, phục vụ nhân dân. Có những người đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm", nhưng họ vẫn một lòng tin theo Đảng, phấn khởi trước sự đổi mới của đất nước…

Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, thậm chí hy sinh tính mạng, các thế hệ đảng viên mãi giữ vẹn nguyên lời thề trọn đời theo Đảng, phục vụ nhân dân. Có những người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng họ vẫn một lòng tin theo Đảng, phấn khởi trước sự đổi mới của đất nước…

 

Phố phường Nha Trang rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày thành lập Đảng
Phố phường Nha Trang rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày thành lập Đảng


Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung


Theo lời giới thiệu của Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, tôi về xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang tìm gặp bà Trương Thị Thọ - đảng viên 66 tuổi Đảng. Năm nay đã 91 tuổi nhưng bà Thọ vẫn nhớ rõ về những năm tháng hoạt động cách mạng gian khó. Tham gia cách mạng ở quê nhà Ninh Thuận từ năm 1945, bà Thọ lần lượt làm các công tác cứu thương, trinh sát an ninh, phụ nữ. Tháng 11-1948, trong khi đang đi vận động quà Tết cho bộ đội, bà bị địch bắt. Vào tù nếm đủ đòn tra tấn nhưng bà không hề nao núng, ra tù lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 25 tuổi. Năm 1954, tuy thuộc diện được tập kết ra Bắc nhưng bà Thọ đã tình nguyện ở lại hoạt động hợp pháp, gây dựng cơ sở ở Khánh Hòa. Bao nhiêu nỗi nhớ chồng, thương con, bà dồn tất cả vào công tác, kiên quyết bám trụ địa bàn cơ sở ở Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung để giữ phong trào. Năm 1961, bà Thọ bị địch bắt và giam ở nhà lao Nha Trang gần 1 năm. Ra tù, bà lại móc nối lại các cơ sở gây dựng phong trào.

 

Bà Trương Thị Thọ với tấm huy hiệu 65 năm tuổi Đảng
Bà Trương Thị Thọ với tấm huy hiệu 65 năm tuổi Đảng


Năm 1968, người nữ cán bộ gan dạ ấy lại bị địch bắt lần thứ 3 khi quân Đại Hàn càn vào chiến khu Đồng Bò. “Khi địch lôi tôi ra khỏi gộp đá, chúng bảo tôi giơ 2 tay lên đầu nhưng tôi không làm theo vì như thế là đầu hàng địch. Tức khí, mấy tên lính thúc báng súng vào mạng sườn tôi đau đến khuỵu cả người”, bà Thọ kể. Sau thời gian tra khảo, địch đã đưa bà ra nhà tù ở Quy Nhơn. Ở đây, bà cùng với các đồng chí của mình lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt, thậm chí dám đánh lại cai tù nên đã bị chuyển vào nhà tù ở Cần Thơ. Mãi đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết bà và các bạn tù mới được trao trả ở Lộc Ninh. 3 lần bị địch bắt, với gần 6 năm bị cầm tù, tra tấn dã man, sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng không ngăn được người nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung cống hiến hết mình trong mọi nhiệm vụ được giao. Hòa bình thống nhất, bà tiếp tục tham gia công tác, là một trong những người dày dạn kinh nghiệm của phong trào phụ nữ tỉnh Phú Khánh.


Trong niềm vui chung mừng Đảng tròn 86 tuổi, bà Thọ rất vui mừng vì nước nhà đổi mới, đời sống người dân ngày càng được nâng cao: “Hồi xưa mình đi làm cách mạng chỉ mong nước nhà độc lập thống nhất, người dân có cuộc sống ấm no chứ không nghĩ đất nước sẽ phát triển như bây giờ” - bà nói.


Dấn thân là chấp nhận tù đày


Nhắc đến chuyện hoạt động cách mạng, ông Nguyễn Văn Ri (sinh năm 1944, trú xã Diên Phú, huyện Diên Khánh), người lính đặc công từng bị đày ra Phú Quốc sôi nổi hẳn lên. “Ba tôi mất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1964, tôi lên chiến khu Hòn Dữ; 2 em gái tôi cũng lần lượt đi theo cách mạng, trong đó một người hy sinh” - ông kể. Vốn nhanh nhẹn, ông Ri được chọn vào Đại đội đặc công của Tỉnh đội Khánh Hòa, tham gia nhiều trận đánh ở vùng Diên Khánh. Cuối năm 1967, trong trận đánh đồn Diên Thủy, ông bị thương rồi sa vào tay giặc và đã nếm đủ các đòn tra tấn dã man. “Đi theo Đảng, dấn thân làm cách mạng là chấp nhận tù đày. Dù có chết cũng không khai báo”, ông Ri lý giải về sức mạnh tinh thần giúp mình vượt qua những màn tra tấn của địch. Sau 3 tháng tra tấn nhưng không mang lại kết quả, địch đưa ông lên nhà tù ở Pleiku, Gia Lai; rồi trại tù Phú Quốc - nơi được mệnh danh là “địa ngục của trần gian”. Ở trại tù nhiều gian khổ, tiếp tục hứng chịu đòn roi của kẻ thù nhưng ông Ri cũng như nhiều đảng viên bị tù đày thời kỳ ấy vẫn bền gan chịu đựng, tham gia biểu tình đòi yêu sách khi giám thị bớt khẩu phần ăn, bắt lao động quá thời gian quy định, đánh đập vô cớ. Năm 1970, trong khi được điều đi bốc gạo ở bến tàu, ông Ri và các bạn tù đã giết chết nhóm quân cảnh áp tải và lái xe rồi vượt ngục. “Chúng tôi đã lặn lội trong rừng dò tìm đường đi, phải ăn cá sống, củ mì, uống nước tiểu để cầm hơi. Nhiều khi chỉ muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến Đảng, đến sự nghiệp cách mạng nên động viên nhau. Đến trưa ngày thứ 5, khi gần kiệt sức, chúng tôi gặp được anh em du kích của ta”, ông Ri nhớ lại. Sau thời gian tĩnh dưỡng, ông Ri tình nguyện ở lại chiến đấu ở huyện Phú Quốc, đến cuối năm 1974 được tỉnh Kiên Giang đưa về đất liền.

 

Nhắc đến ông Ri, ông Huỳnh Thọ - Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh, người bạn tù cùng thời bày tỏ: “Anh Ri nhỏ người nhưng rất gan dạ, rất lỳ đòn. Chuyện vượt ngục của anh ấy là một “chiến tích” khiến anh em chúng tôi rất nể phục”.

 

Nhà tù Phú Quốc - nơi từng giam giữ khoảng 40.000 chiến sĩ cách mạng
Nhà tù Phú Quốc - nơi từng giam giữ khoảng 40.000 chiến sĩ cách mạng

 

Nhà tù cũng là chiến trường


Để hiểu thêm chuyện sinh hoạt Đảng trong tù, tôi đã tìm gặp ông Phạm Minh Thành (Phó Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước tỉnh) - người từng làm Bí thư Đảng bộ trong nhà tù Phú Quốc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, năm 1959, 19 tuổi ông Thành đã lên núi làm cách mạng, rồi được kết nạp Đảng năm 1964. “Hồi ấy, kết nạp Đảng rất thiêng liêng. Vào Đảng, tôi thấy rất vinh dự, nhưng trách nhiệm nặng nề hơn, từ tác phong sinh hoạt cho đến việc chiến đấu, người đảng viên đều phải gương mẫu và đi đầu”, ông Thành nhớ lại. Đầu năm 1968, khi đang là Đại đội trưởng Đại đội đặc công của tỉnh Quảng Ngãi, lúc đang tổ chức huấn luyện ở Bình Sơn, đơn vị của ông đã bị tập kích. “Địch ném lựu đạn vào hầm làm trung đội trưởng bị thương nặng rồi hy sinh, tôi xác định mình sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Không khuất phục được tôi, địch đã dùng mìn đánh sập hầm khiến tôi ngất xỉu rồi bắt sống”, ông kể. Vừa thoát khỏi chiến đấu bằng súng đạn, ông Thành đã phải chiến đấu trí não trước màn hỏi cung của kẻ thù. Bản lĩnh của một người đảng viên, một chỉ huy nhiều kinh nghiệm đã giúp ông qua mắt được kẻ thù. Sau nhiều ngày hỏi cung, địch đã đưa ông ra giam ở trại tù Đà Nẵng.


Đọc hồi ký Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận nên biết trong tù cũng có tổ chức Đảng, ở đâu có quần chúng là ở đó có Đảng, nên chỉ khoảng nửa tháng bị bắt, ông Thành đã liên lạc được với chi bộ của trại giam. “Tôi được chi bộ làm lễ thâu nhận ở ngay nhà tắm, có cờ Đảng nhỏ xíu bằng bàn tay. Bí thư chi bộ tuy chỉ là một xã đội trưởng nhưng lý luận chính trị rất cao. Anh ấy phổ biến: “Ở trong tù phải biết tập hợp, đoàn kết anh em để đấu tranh với địch. Người đảng viên phải luôn xác định trận địa chiến đấu, ở ngoài chiến đấu nhưng ở trong tù cũng là chiến đấu”. Và ông Thành đã mang theo tinh thần đó ra tận nhà tù Phú Quốc.


Vừa bị điều chuyển ra trại tù Phú Quốc, tham gia Đảng ủy phân khu A1, ông Thành đã đề xuất việc tổ chức cho anh em chống chào cờ, chào sĩ quan ngụy. “Nhiều người tỏ ra e ngại, bởi sợ bị đàn áp. Phải mất 5 tháng kiên trì thuyết phục, Thường vụ mới đồng ý cho thực hiện chủ trương táo bạo này”, ông Thành kể. Địch đánh đập rất dã man, nhưng dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nhà tù, các chiến sĩ cách mạng đã kiên quyết không thực hiện việc chào cờ, chào sĩ quan ngụy. “Chúng tôi xác định với nhau, ở tù là bị quản thúc về mặt con người, nhưng không cầm tù được ý chí cách mạng. Nhà tù là một trận địa chiến đấu... Khi địch đánh đập quá mức, để đấu tranh, chúng tôi cho anh em nằm ngoài sân tuyệt thực chứ không về phòng, bọn ngụy điên cuồng dùng lực lượng quân cảnh, bảo an súng gắn lưỡi lê đến bao vây trại giam.  Không giải tán được chúng tôi, chỉ huy nhà tù phải ra điều đình với anh em tù nhân. Với lý lẽ thuyết phục, sự đấu tranh kiên trì, dần dần chúng tôi còn thành công với việc không rào hàng rào nhà tù, xây lô cốt và không giặt đồ cho các cai tù”, ông nói. Sau này, ông Thành với vai trò Bí thư của khu B10 đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh buộc địch chấp nhận yêu sách: đổi giám thị trại giam vì hay ăn bớt quân nhu, cung cấp đầy đủ quân nhu theo quy định, không nhận gạo ẩm mốc; không được “bắt cóc” anh em tù nhân đi tra khảo vô cớ… Phong trào đấu tranh còn tiếp diễn đến những giây phút cuối cùng khi được ra tù. Khi được trao trả, anh em tù chính trị kiên quyết không lên những xe có băng rôn và cờ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Một vài người nhanh trí đã dùng những chiếc khăn màu nâu, dùng kem đánh răng viết khẩu hiệu ủng hộ cách mạng, có người còn giấu những lá cờ nhỏ tự làm vẫy chào như người chiến thắng trở về.


Hôm tôi đến, ông Thành đang chăm chú theo dõi phiên bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Chưa kịp hỏi, ông đã chủ động bày tỏ: “Đại hội Đảng lần này được tổ chức rất tốt, nhất là công tác nhân sự. Theo dõi Đại hội, tôi thấy niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng rất cao. Mong ước của thế hệ chúng tôi là những đồng chí lãnh đạo phải ý thức được trách nhiệm của mình, giữ gìn được phẩm chất của người lãnh đạo, làm gương cho cán bộ, đảng viên noi theo…”. Theo ông Thành, bây giờ xã hội có quá nhiều cám dỗ, nhiều tác động, nếu người đảng viên không đủ bản lĩnh thì rất dễ sa ngã. “Người đảng viên phải luôn xác định tư tưởng cống hiến, đứng mũi chịu sào chứ không phải vào Đảng để hưởng đặc quyền, đặc lợi”, ông Thành nhắn nhủ!



XUÂN THÀNH