12:01, 30/01/2016

"Hạt ngọc" ở lưng chừng núi

Với người Raglai, lúa rẫy được xem như hạt ngọc của trời. Lúc tiết xuân giao mùa, hoa nở khắp rừng cũng là thời điểm cả làng bắt đầu bước vào mùa tuốt lúa...

Với người Raglai, lúa rẫy được xem như hạt ngọc của trời. Lúc tiết xuân giao mùa, hoa nở khắp rừng cũng là thời điểm cả làng bắt đầu bước vào mùa tuốt lúa...


Rộn rã vào mùa


Khi hạt sương còn ngủ vùi trên cành lá, tiếng gà rừng đang văng vẳng nơi rẫy xa, già làng Cao Thiên (thôn Chà Liên, xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã chuẩn bị gùi, rựa, vài rẻo cơm nắm, một ít cá khô để lên rẫy. Sau hơn 1 tiếng vượt qua 3 con dốc cao, tiếng suối Spark đã róc rách bên tai. Chỉ tay về phía vạt rẫy ở lưng chừng núi, già làng Cao Thiên hồ hởi khoe: “Cả vạt rẫy bên đó tôi gieo 16 gùi giống, giờ lúa đã trĩu bông. Năm nay trời thương, bông nào cũng đầy hạt. Cả làng này gia đình nào cũng được mùa, chỉ vài hôm nữa lúa sẽ được chất đầy nhà. Tết năm nay không còn phải lo cái đói”.

 

Lúa rẫy được mùa
Lúa rẫy được mùa


Theo hướng tay của già Cao Thiên, một vạt lúa vàng hiện ra trước mắt chúng tôi. Phía xa xa là những rẫy lúa đã ngả màu nối tiếp nhau dưới chân núi, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn. Năm nay, lúa được mùa nên người dân không giấu được niềm vui. Bà Cao Thị Là Đê hồ hởi cho hay: “Người Raglai ở xã Liên Sang nhà nào cũng trồng lúa rẫy. Hộ trồng nhiều thì mấy chục gùi thóc giống, hộ ít nhất cũng phải gần 10 gùi. Nhà tôi trỉa gần 20 gùi giống thu hoạch cũng được gần 4 tấn. Trong mấy năm trở lại đây, chưa bao giờ được mùa như bây giờ. Một vụ rẫy như thế này là đủ gạo ăn cho cả năm”.

 

Già làng Cao Thiên chọn những bông lúa tốt nhất để làm giống
Già làng Cao Thiên chọn những bông lúa tốt nhất để làm giống


Thung lũng Spark rộng lớn là vậy nhưng đi đến đâu cũng có sự hiện diện của lúa rẫy. Không giống như làm lúa nước, lúa rẫy phải 6 tháng mới cho thu hoạch. Vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi trời tiết đẹp, người Raglai đem giống lên núi trỉa. Hạt giống được gieo xuống, sự sống của nó đều nhờ cả vào sương trời, gió núi. Phương thức canh tác vẫn theo bao đời truyền lại, sau 3 mùa liên tục, lúa lại được đem trồng ở một rẫy khác, rẫy cũ để hoang và đợi đến 3 mùa rẫy sau, người dân mới quay lại phát đốt để bắt đầu một chu kỳ lúa rẫy mới. Đến mùa thu hoạch, người Raglai không dùng liềm để gặt như ở miền xuôi mà tuốt bằng tay, cây để lại ủ mục, coi như sự trả ơn cho đất.


Đậm hương Tapai


Trong những ngày này, đi qua các xã miền cao Liên Sang, Sơn Thái, Khánh Thượng... của huyện Khánh Vĩnh, đâu đâu cũng thấy sự hối hả của một vụ mùa bội thu. Chỗ thì phơi lúa, nơi thì sàng sảy, giã gạo. Năm nay được mùa, lúa chất đầy kho, những nhà có điều kiện lại đem thành quả lao động làm Tapai (rượu cần) để chia vui cùng xóm làng, dâng lên tổ tiên. Vốn là người làm Tapai có tiếng của vùng, mấy hôm nay, già làng La Trong (thôn Bàu Sang, xã Liên Sang) tất bật với những mẻ rượu mới. Nhanh tay lau sạch mấy chiếc ché cổ, già Trong cười nói: “Nếu lúa rẫy được xem là “hạt ngọc” của trời thì Tapai chính là hiện thân của sự kết tinh trời đất. Được mùa nhưng thiếu Tapai thì coi như mất hết truyền thống ông cha. Vụ nào lúa trên nương trĩu hạt mình cũng làm mấy chục ché rượu. Một phần để cúng thần, dâng lên tiên tổ, một phần đem biếu những người thân mừng cho một mùa lúa mới”.

 

Thành quả lao động sau một vụ mùa bội thu
Thành quả lao động sau một vụ mùa bội thu


Kéo ché rượu ủ được hơn chục ngày ra khoe, khi già Trong vừa mở lớp lá đậy, hương Tapai đã bay ngào ngạt. Trong cái nồng nàn của men rượu có phảng phất mùi thanh nhẹ của lúa mới, một chút hương hoa của núi rừng. Theo những bậc cao niên, Tapai không chỉ đơn thuần là thức uống mà còn tượng trưng cho một nền văn hóa lúa rẫy. Còn lúa rẫy thì còn Tapai, hết lúa rẫy rượu có được làm thì hương Tapai cũng đã phai nhạt. Ở Khánh Vĩnh hiện không còn mấy người biết ủ rượu cần, nhưng những ai biết làm, họ vẫn bảo lưu được cách làm rượu cần từ những nguyên liệu và phương pháp cổ xưa. Nguyên liệu chính để làm rượu cần gồm men rượu và các loại ngũ cốc như: gạo, bắp, kê, bo bo và mì… Mì hay các loại ngũ cốc được nấu chín, xới tơi, để nguội rồi trộn đều với men, sau đó ủ trong bọc lá chuối 2 ngày 2 đêm cho lên men rồi cho vào ché ủ tiếp. Sau hơn 10 ngày, rượu cần đã có thể dùng được, tuy nhiên thời gian ủ càng lâu, rượu càng đặc và hương vị càng thơm, ngọt đậm đà hơn. Tapai làm từ những loại ngũ cốc khác nhau sẽ có hương vị khác nhau, nhưng loại ngon nhất phải được làm từ gạo nếp rẫy hoặc mì. Lấy một ché rượu vừa tới độ mời khách, già làng La Trong nói: “Năm nay được mùa, nếp nương đầy kho, cái vị Tapai cũng ngon hơn. Mong sao năm sau, thần rừng, thần núi thương cho người Raglai thêm những mùa bội thu. Trẻ con có cơm để ăn, người già có rượu cần để đãi khách, nhà nhà sung túc, không lo cái đói trong những ngày giáp hạt”.   

   
Ước vọng gìn giữ

 

Ông Ngô Đình Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang:

Lúa rẫy có ý nghĩa rất quan trọng với người dân vùng cao. Không có cây trồng nào có sức sống tốt hơn ở những vùng núi cao khô hạn như cây lúa rẫy. Chỉ tính riêng xã Liên Sang có hơn 100ha lúa rẫy. Năm nay tuy hạn hán, song toàn bộ lúa rẫy vẫn bội thu, năng suất 1,4 tấn/ha, tăng gần gấp đôi các năm trước.

Đối với người Raglai, hạt cơm lúa rẫy cũng giống như tiếng chiêng, tiếng trống, không thể thiếu trong đời sống. Hạt cơm lúa rẫy không chỉ nuôi sống lớp lớp thế hệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Raglai qua các mùa lễ hội. Để đảm bảo lương thực, nâng cao đời sống, không ít vùng đã chuyển sang trồng lúa nước. Nhưng đối với các xã miền cao ở Khánh Vĩnh, cây lúa rẫy vẫn là cây trồng chủ lực, với những người hoài cổ, nhất là người già, họ vẫn đau đáu về việc gìn giữ cây lúa rẫy như một nét văn hóa của người Raglai. Đang phơi lại gùi lúa mới đưa trên núi về, Away Tuấn (xã Khánh Thượng) cho biết: “Ăn cái gạo trên núi lâu ngày thành quen, ăn cái gạo dưới xuôi dù dẻo hơn mà vẫn thấy nhạt cái miệng. Giữ cây lúa rẫy cũng là giữ linh hồn của người Raglai, những ai là con cháu người Raglai phải có trách nhiệm giữ loại cây trồng truyền thống này, người dân trong làng rất quý giống lúa rẫy, nhất là người cao tuổi”.

 

Già làng La Trong vui với những ché Tapai mới làm
Già làng La Trong vui với những ché Tapai mới làm


Ước vọng của Away Tuấn cũng chính là mong mỏi của nhiều bậc cao niên. Còn nhớ, khi nói về rượu cần, nói về văn hóa của người Raglai, già làng Cao Thiên cứ chép miệng suýt xoa: “Ngày xưa mùa thu hoạch lúa rẫy chính là thời điểm đồng bào dân tộc Raglai mong đợi nhất trong năm. Dân làng quây quần bên nhau thực hiện các nghi lễ cúng tạ ơn thần sau một vụ mùa. Khi ăn cơm mới, lễ cúng lúa mới được tổ chức linh đình. Trong ngày vui của làng, tiếng chiêng, tiếng trống bập bùng khắp núi rừng. Men rượu cần thấm đẫm, cái chân cứ chếnh choáng theo điệu hát mà bay xa. Giờ đây, văn hóa Raglai ở Khánh Vĩnh đã nhạt đi nhiều lắm rồi. Những mùa rẫy không còn vui như trước. Cúng lúa mới cũng chỉ làm riêng rẽ từng nhà. Cái hủ tục thì mình có thể bỏ, nhưng giá như mai này một số lễ hội tiêu biểu được khôi phục để con cháu còn nhớ đến truyền thống cha ông thì mỗi mùa rẫy bội thu đi qua càng thêm phần ý nghĩa”.


Khi dãy núi Apal (xã Liên Sang) ngã vàng, chim rừng líu lo đón mùa xuân về cũng là lúc nhiều gia đình Raglai ở các xã miền cao Khánh Vĩnh làm lễ mừng cơm mới theo phong tục truyền thống của tộc người. Gạo rang, cơm nấu chín, thịt gà, thịt heo, rượu cần... đặt lên bàn thờ tổ tiên. Họ kính cẩn chắp tay vái lạy mời các thần và ông bà về ăn bữa cơm mới với con cháu. Trước hết là để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, sau là mong muốn ơn trên tiếp tục phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.


Đình Lâm - Bích La


 


 

Nhạc sĩ Hình Phước Liên (người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Raglai):


Cũng như nhiều dân tộc Tây Nguyên khác, người Raglai có tục “ăn đầu lúa mới” và tập tục này gắn liền với vòng sinh trưởng của cây lúa rẫy. Trước đây, khi lúa đến mùa sắp thu hoạch, bà con phải chọn một khoảnh lúa tốt nhất rồi bó lại thành từng bó nhỏ, đợi đến khi thu hoạch thì đem nhũng bó lúa này để cúng Yang (trời). Lễ ăn đầu lúa mới gần giống như ngày Tết của người Kinh. Ngày nay, người Raglai đã biết trồng lúa nước nên diện tích trồng lúa rẫy còn rất ít. Tuy vậy, từng gia đình vẫn giữ lại một khoảng đất rẫy để trồng lúa vì phải có lúa vào khoảng tháng 11 âm lịch để làm lễ ăn đầu lúa mới. Lúa rẫy ngày nay chủ yếu dùng để làm rượu cần, cúng kính ông bà và đãi khách là chính chứ không sử dụng để ăn như ngày xưa. Hạt lúa rẫy vì thế càng có ý nghĩa hơn trong đời sống văn hóa của người Raglai.