11:08, 27/08/2013

Thầm lặng “thắp lửa” yêu thương!

Mỗi người mỗi nghề, nhưng họ đều có chung tình yêu thương con người và tấm lòng thiện nguyện. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã góp phần sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa và ngoài xã hội…

Mỗi người mỗi nghề, nhưng họ đều có chung tình yêu thương con người và tấm lòng thiện nguyện. Bằng những việc làm cụ thể, họ đã góp phần sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa và ngoài xã hội…


Ngày Chủ nhật yêu thương!

 

1
Cắt mong tay và trò chuyện với người già yếu.


Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vào một ngày Chủ nhật giữa tháng 8. 12 giờ, thời điểm mà hầu hết mọi người đang nghỉ trưa thì ở đây, không khí lại nhộn nhịp, sôi nổi bởi những người thiện nguyện.

 

1
Đút từng thìa cháo cho người tâm thần.


Họ gồm nhiều thành phần, từ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức nghỉ hưu, đến những người làm nghề tự do, tiểu thương, học sinh, sinh viên, người tu hành... Đã thành thông lệ, cứ vào trưa Chủ nhật hàng tuần họ lại đến đây, tham gia công tác thiện nguyện. Không ai bảo ai, người đến trước làm trước, người đến sau làm sau, mỗi người mỗi việc một cách cần mẫn. Chỗ này một nhóm quét dọn sân vườn, lau chùi nhà cửa, bàn ghế, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho các cụ già, em nhỏ; chỗ kia giúp người già yếu tắm gội, giặt quần áo, chuyện trò và đặc biệt, không thể thiếu những người đang chuẩn bị bữa ăn trưa... Ông Trần Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: “Họ là những thành viên của nhóm “Ngày Chủ nhật yêu thương”. Hơn 10 năm rồi, Chủ nhật nào cũng vậy, họ đều đến giúp Trung tâm làm vệ sinh nhà cửa, chăm sóc, tặng quà... cho các đối tượng. Những việc làm của họ đã giúp cho “ngôi nhà chung” của những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn trở nên ấm áp hơn”.

 

1
Giặt quần áo cho các đối tượng bảo trợ xã hội.


Đôi tay thoăn thoắt vò những bộ quần áo đã sờn cũ của các đối tượng là người tâm thần, bà Hồ Thị Minh (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi gia nhập nhóm đã gần 10 năm. Chủ nhật nào tôi cũng bớt chút thời gian đến đây giúp đỡ các trẻ mồ côi, khuyết tật, người già, người tâm thần tắm giặt, dọn vệ sinh. Những việc làm của chúng tôi tuy nhỏ nhưng giúp họ phần nào lấp đi những khoảng trống về mặt tình cảm. Đến đây, chúng tôi còn chia sẻ, tâm sự với các cụ về đạo hiếu ở đời và cả những câu chuyện của trẻ em với mong ước về một mái ấm gia đình. Có người, cả đời một nắng hai sương, vất vả nuôi con khôn lớn, đến khi về già lại bị con hắt hủi, lạnh nhạt. Có những đứa trẻ bị chính cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa đầy tuổi...”.

 

1
Cắt móng chân cho người già neo đơn.


Các thành viên trong nhóm “Ngày Chủ nhật yêu thương” luôn chăm sóc các đối tượng bảo trợ bằng cả tấm lòng chân thành, chu đáo. Họ luôn xem những người ở đây như cha, mẹ, người thân của mình. Vì vậy, các đối tượng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng luôn dành những tình cảm yêu mến, trân trọng cho các thành viên nhóm thiện nguyện. Bà Nguyễn Thị Hương (70 tuổi, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) chia sẻ: “Tôi sống ở Trung tâm từ năm 2006 và cũng chừng ấy thời gian tôi chứng kiến những việc làm thiết thực, ý nghĩa của các thành viên trong nhóm thiện nguyện. Họ không chỉ tặng quà, cho chúng tôi ăn uống, lo cho chúng tôi từ những việc nhỏ mà còn ân cần thăm hỏi sức khỏe, trò chuyện và gọi chúng tôi là cha, là mẹ. Những việc làm của nhóm đã giúp chúng tôi vơi đi nỗi buồn trong cuộc sống”.

 

1
Tranh thủ cắt tóc cho các đối tượng tâm thần.


Kết nối những tấm lòng thiện nguyện   


Nhóm “Ngày Chủ nhật yêu thương” ra đời và hoạt động từ ý tưởng của ông Hồ Nhã Anh (phường Phương Sài, TP. Nha Trang). Là giáo viên nghỉ hưu, nhưng ông Anh luôn nghĩ về người nghèo và những mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Chính vì thế, ông đã trao đổi, vận động một số người quen, anh chị em trong gia đình thành lập nhóm thiện nguyện để chung sức giúp đỡ những người không may mắn trong xã hội bằng những việc làm thiết thực. Hơn 10 năm làm công tác từ thiện, với cương vị trưởng nhóm, ông Anh đã gây dựng nhóm trở thành “mái nhà chung”, là cầu nối của những tấm lòng nhân ái với người nghèo cần sự trợ giúp, thắp sáng lên truyền thống tương thân, tương ái, giúp người cơ nhỡ, bất hạnh trong xã hội. Với sự điều hành sáng tạo, nhạy bén của ông, nhóm đã tạo được niềm tin, kết nối những người có chung tấm lòng thiện nguyện. Hiện nhóm có hơn 50 thành viên là những người làm thuê, buôn bán nhỏ, công chức nghỉ hưu, người tu hành và gần 300 học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh tham gia sinh hoạt.

 

1
Chuẩn bị đồ ăn cho các đối tượng đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.


Bà Nguyễn Thị Chưởng (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho biết, tình cờ bà được chị hàng xóm kể về những việc làm đầy lòng nhân ái của nhóm nên bà quyết định tham gia. Hơn 2 năm qua, cứ Chủ nhật hàng tuần, bà Chưởng lại bớt chút thời gian cùng các thành viên trong nhóm đến Trung tâm chăm sóc, tắm giặt cho các cháu nhỏ, người tâm thần, tâm sự với những người già neo đơn... “Việc làm thiện nguyện của chúng tôi không chỉ giúp họ vơi đi nỗi cô đơn, mà còn đem lại cho chúng tôi niềm vui và sự thanh thản”, bà Chưởng chia sẻ.


Để công việc diễn ra nhanh và hiệu quả, nhóm thường phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Chi phí cho những hoạt động trên do chính các thành viên của nhóm tự nguyện đóng góp. Nhờ sự chịu thương, chịu khó của các thành viên mà các đối tượng ở đây cảm thấy ấm lòng hơn. Bên cạnh đó, bằng những hoạt động của mình, nhóm đã góp phần làm thay đổi nhận thức, cách ứng xử, suy nghĩ của mọi người đối với những đối tượng đang sinh sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nói riêng và những người nghèo, người tật nguyền ngoài xã hội nói chung.


Gieo nhân ái vào giới trẻ

 

Các em học sinh phát bánh kẹo và vui chơi cùng các cụ già.
Các em học sinh phát bánh kẹo và vui chơi cùng các cụ già.

 

Ông Trần Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên gần 300 người thuộc các đối tượng trẻ em mồ côi, người già neo đơn, người tàn tật, người bị bệnh tâm thần cùng hơn 300 đối tượng lang thang, ăn xin. Hoạt động của nhóm “Ngày chủ nhật yêu thương” trong thời gian qua đã mang lại ý nghĩa rất lớn, góp phần động viên, vun đắp đời sống tinh thần cho các đối tượng, qua đó cùng với Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tốt hơn.

Tham gia sinh hoạt trong nhóm có gần 300 bạn trẻ là học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn tỉnh. Với các bạn, mỗi buổi làm từ thiện là một trải nghiệm mới về cuộc sống với những cảm xúc rất riêng. Qua đó, giúp các bạn rèn thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử, đồng thời nhân lên tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia với những số phận kém may mắn. Em Nguyễn Thị Hiếu - sinh viên Khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa cho biết, ngày đầu tiên tham gia chương trình, em đã xung phong tắm gội, vệ sinh thân thể cho các cụ già ở khu tâm thần.

“Từ nỗi sợ sệt, lo ngại ban đầu, em đã mau chóng tìm được sự đồng cảm, yêu thương dành cho các cụ. Họ giống như những người ông, người bà của em nhưng lại kém may mắn hơn khi tuổi già, bệnh tật mà không có con cháu cận kề chăm sóc. Đây cũng là môi trường, cơ hội để chúng em được trải nghiệm thực tế, qua đó rèn luyện cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm và y đức cần thiết phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh sau này...”, Hiếu chia sẻ. Còn em Hoàng Thị Thơm, sinh viên năm 1 trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa tâm sự: “Đến làm những công việc bình dị ở đây em mới thấy và hiểu hơn về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của những mảnh đời bất hạnh, thấy mình còn may mắn hơn nhiều người. Những người sống ở đây không chỉ bị bệnh tật mà còn rất buồn về mặt tinh thần. Nhiều cụ già tâm sự với em rằng cụ rất vui khi có các cháu đến chơi và trò chuyện với cụ, cụ ở trong này chỉ thèm có người đến chơi và nói chuyện, nghe xong câu nói của cụ mà em rơi nước mắt, mong rằng nhóm thiện nguyện sẽ hoạt động thường xuyên để chúng em có điều kiện vào thăm các cụ”. Sau mỗi buổi thiện nguyện, các bạn học sinh, sinh viên còn được học thêm nhiều điều bổ ích, như học cách giao tiếp bằng cử chỉ với trẻ khiếm thính, học cách làm việc có kỷ luật và thấy được cái tâm đáng quý của mỗi người. Nhiều bạn trẻ là thành viên của nhóm đã ý thức được rằng, cần phải chia sẻ, động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để họ có niềm tin, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống...


“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”! Tấm lòng nhân ái bao la của các thành viên nhóm “Ngày Chủ nhật yêu thương” đã góp phần chia sẻ, xoa dịu những nỗi đau, nỗi cô đơn của những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn; thắp lên những ngọn lửa yêu thương trong cuộc đời...


VĂN GIANG