04:08, 27/08/2013

Giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích

Phát triển đội ngũ những người làm công tác xã hội chuyên nghiệp ở các cơ sở bảo trợ xã hội, các xã, phường, thị trấn để họ thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi là một việc làm cần thiết hiện nay.

Phát triển đội ngũ những người làm công tác xã hội (CTXH) chuyên nghiệp ở các cơ sở bảo trợ xã hội, các xã, phường, thị trấn để họ thực hiện tốt công tác chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi (NCT) là một việc làm cần thiết hiện nay.


Những tồn tại từ thực tế


Theo thống kê của Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 109.290 NCT. Trong đó có khoảng 17.700 NCT được nhận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước như: Trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế... Ngoài các hỗ trợ này, các cấp Hội NCT cũng có nhiều hoạt động chăm sóc NCT như: Phối hợp với các cấp giúp NCT nâng cấp nhà tạm; tổ chức mừng thọ, chúc thọ vào dịp lễ, Tết; chăm lo khi ốm đau, tang lễ; thành lập các câu lạc bộ ông bà cháu, nghệ thuật, thơ ca; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Tuy nhiên, những hoạt động trên mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của NCT. Số đông NCT vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế, thể dục, thể thao, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo nhận định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, việc chăm sóc, trợ giúp NCT còn nhiều bất cập. Nhiều NCT vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe công lập, chưa được trợ giúp về nhiều mặt trong cuộc sống sinh hoạt. Bản thân NCT cũng chưa nhận thức được đầy đủ sự cần thiết phải chăm sóc, bảo vệ bản thân... Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng NCT ở Việt Nam sống lâu nhưng chưa sống vui, sống khỏe.

 

Hình thành và phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội sẽ giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hình thành và phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội sẽ giúp người cao tuổi nâng cao chất lượng cuộc sống.


Bên cạnh đó, công tác tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phát huy vai trò của NCT tại cộng đồng còn ít. Ở nhiều địa phương, các hoạt động này mang tính đơn lẻ, tự phát do chính NCT tự tổ chức. Việc tổ chức các câu lạc bộ dưỡng sinh, cầu lông... rất có ích cho sức khỏe của NCT, song hình thức này còn nhiều hạn chế và bị chi phối bởi kinh phí hoạt động hạn hẹp và đối tượng tổ chức. Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh cho NCT vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng NCT tự bỏ tiền để khám, chữa bệnh vẫn còn phổ biến, do vậy chi phí khám, chữa bệnh đã và đang là một gánh nặng cho NCT và gia đình họ. Ngoài ra, hiện nay, tình trạng thiếu hụt nhân lực chăm sóc NCT đang gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Các bệnh viện hiện chưa có nhân viên CTXH chuyên nghiệp nên việc chăm sóc NCT còn hạn chế...


Cần phát triển nhân viên công tác xã hội

 

Theo dự báo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Từ năm 2010, Việt Nam đã không còn là nước có dân số trẻ khi tỷ lệ NCT chiếm trên 10% dân số. Dự báo, đến năm 2025 NCT sẽ chiểm khoảng 18% dân số và năm 2050 chiếm gần 30% dân số. Thực tế này cho thấy, sự phát triển của đội ngũ những người làm CTXH chuyên nghiệp là rất cần thiết để góp phần trợ giúp và giải quyết những vấn đề liên quan đến NCT.

Ông Trần Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, trong xã hội hiện nay, việc phát triển nghề CTXH là hết sức cần thiết. Chỉ riêng ở lĩnh vực NCT, có rất nhiều vấn đề cần nhân viên CTXH chuyên nghiệp trợ giúp, giải quyết. Phát triển nhân viên CTXH chuyên nghiệp tại các xã, phường, thị trấn sẽ giúp NCT tăng khả năng tự chăm sóc sức khỏe và tự túc trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, nhân viên CTXH sẽ tổ chức các hoạt động, công việc phù hợp để NCT có thể tham gia, tạo niềm vui trong cuộc sống; kết nối, tìm kiếm một số dịch vụ hỗ trợ cần thiết; giải tỏa những căng thẳng phát sinh trong gia đình, thiết lập các mối quan hệ gần gũi, sự quan tâm của người thân (con cháu, họ hàng, láng giềng) với NCT. Còn tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhân viên CTXH sẽ giải quyết các vấn đề như: Những hành vi gây hấn và những căng thẳng khi sống trong môi trường xa gia đình, người thân của NCT; tư vấn, tham vấn cho NCT bớt cảm thấy buồn chán, cô đơn khi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội; tổ chức, xây dựng các hoạt động sinh hoạt tập thể, các mô hình câu lạc bộ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý NCT; là cầu nối quan hệ giữa NCT với gia đình, giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích.


PHÚ VINH